“Việc bắt S.B.F được thực hiện sau thông báo chính thức của Mỹ về buộc tội hình sự đối với S.B.F và có thể yêu cầu dẫn độ”, Chính phủ Bahamas cho biết trong một thông cáo. Việc bắt giữ chỉ là một trong hàng loạt diễn biến kịch tính trong vụ sụp đổ gây chấn động nhất của lịch sử doanh nghiệp hiện đại.
Bankman-Fried, 30 tuổi, dự kiến sẽ phải điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 13/12 (giờ Mỹ) về sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn mạnh nhất của ngành công nghiệp tiền số mới nổi cho đến khi nó sụp đổ chỉ sau 1 đêm, vì khoản nợ lên đến 8 tỷ USD.
Cơ quan công tố ở New York xác nhận Bankman-Fried bị buộc tội hình sự và cáo trạng có thể được công bố trong ngày 13/12. Trong một diễn biến khác, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ cho biết trong một thông cáo rằng cơ quan này đồng ý về những cáo buộc “liên quan những vi phạm của Bankman-Fried đối với luật chứng khoán”.
Bankman-Fried bị cáo buộc gian lận, vi phạm luật chứng khoán và rửa tiền, một nguồn tin nắm được tình hình cho biết. Chưa rõ khi nào Bankman-Fried sẽ bị dẫn độ về Mỹ. Dù Bahamas có hiệp định dẫn độ với Mỹ, quy trình này có thể mất vài tuần.
Từng được gọi là chàng trai “vàng” của ngành công nghiệp tiền điện tử và là người quyên góp rất nhiều cho quỹ của đảng Dân chủ, Bankman-Fried đã phải chứng kiến sự nghiệp đồ sộ của mình sụp đổ với tốc độ choáng váng.
FTX nộp đơn xin phá sản từ tháng 11, còn tài sản cá nhân của Bankman-Fried gần như không còn gì. Từng được gọi là J.P. Morgan thời hiện đại, Bankman-Fried nay được ví với Bernie Madoff, kẻ dàn dựng cú lừa đảo giới đầu tư lớn nhất trong lịch sử.
Các luật sư liên quan bày tỏ ngỡ ngàng về vụ bắt giữ chóng vánh. Dù Bankman-Fried được cho là sẽ bị buộc tội hình sự, nhưng những vụ án liên quan đến giới cổ cồn trắng thường mất nhiều tháng để hoàn thành. Cho đến khi bị bắt, Bankman-Fried vẫn có lịch điều trần từ xa về sự sụp đổ của FTX trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ. Phiên điều trần sẽ vẫn diễn ra, nhưng không có sự tham dự của Bankman-Fried.
Từ khi FTX sụp đổ, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ và các công tố viên liên bang nhanh chóng vào cuộc để xử lý tài liệu từ nhiều bên, trong đó có những hãng tài chính lớn đã đầu tư tới 2 tỷ USD vào sàn này từ đầu năm ngoái, các nguồn tin cho biết.
Sự sụp đổ của FTX bắt đầu từ tháng trước, khi số nợ của sàn lên đến 8 tỷ USD. Bankman-Fried tìm kiếm phao cứu sinh từ công ty đối thủ Binance, nhưng thỏa thuận thất bại sau khi Binance kiểm tra sổ sách của FTX.
Bankman-Fried nhanh chóng trở thành nhân vật phản diện trong ngành công nghiệp tiền số. Hàng trăm ngàn khách hàng bị kẹt tiền ở FTX và chưa biết có cơ hội đòi lại hay không. Sau khi FTX sụp đổ, Bankman-Fried nhận trả lời nhiều tờ báo. Trong cuộc trả lời New York Times, Bankman-Fried nói rằng nguyên nhân là “những thất bại lớn trong quản lý” và kế toán cẩu thả. Bankman-Fried khẳng định mình “chưa bao giờ tìm cách lừa đảo” hay cố ý nhúng tay vào tiền của khách hàng FTX để rót vào những khoản đầu tư khác.
Khi FTX nộp đơn xin phá sản, Bankman-Fried thôi vị trí giám đốc điều hành. Người thay thế là John Ray, một chuyên gia về xử lý doanh nghiệp từng giám sát vụ giải thể doanh nghiệp năng lượng Enron sau bê bối kế toán năm 2001. Trong hồ sơ xin phá sản nộp tháng trước, Ray nói rằng việc quản lý ở FTX cho thấy “sự thất bại hoàn toàn trong kiểm soát doanh nghiệp”. Ray dự kiến cũng tham gia cuộc điều trần nói trên của Hạ viện Mỹ. Trong một tuyên bố chuẩn bị sẵn, ông nói rằng FTX giờ là một mớ hỗn độn.