Sự kiện Tech in Asia Saigon Summit 2024 vừa diễn ra tại TP.HCM vào sáng qua (ngày 30/5), tập trung bàn luận về các chủ đề nóng của ngành công nghệ tại Việt Nam. Tại sự kiện, ông Willis Wee - CEO Tech in Asia đã thực hiện bài phỏng vấn ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VNG về hành trình 20 năm của "kỳ lân" công nghệ này.
Ông đã thành lập công ty như thế nào? Ông có thể chia sẻ thêm về điều gì tạo cho ông nguồn cảm hứng để có được thành công như ngày hôm nay?
Chúng tôi sẽ chạm mốc sinh nhật 20 tuổi vào năm nay. Tôi nghĩ câu trả lời của mình khá đơn giản thôi. Hồi trẻ thì tôi dành nhiều thời gian để chơi game; tới khi đi du học trở về Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục hẹn bạn ở các tiệm PC game. Lúc này, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều người cũng thích và chơi game, khi đó Internet mới về Việt Nam. Và tôi rất háo hức. Vậy nên cùng nhau chúng tôi đã lập ra một công ty game.
Vậy thì theo ông điều gì là kim chỉ nam để công ty tiếp tục phát triển qua nhiều năm?
Trong một cuộc họp với ban lãnh đạo công ty, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi là chúng tôi muốn làm gì tiếp theo? Năm 2003, khi Internet mới vào Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội, là thời điểm thuận lợi để bắt đầu và chúng tôi cảm thấy mình rất may mắn. Sau đó thì số lượng người dùng Internet tại Việt Nam bùng nổ hơn, và chúng tôi luôn muốn sẽ mở rộng hơn nữa. Chúng tôi thấy rằng tất cả thành viên trong gia đình đều dùng Internet. Internet không chỉ được dùng để chơi game mà còn để cập nhật tin tức.
Tại thời điểm đó, tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội để cải tiến cho sản phẩm của mình. Chúng tôi đổi tên từ Vinagame thành VNG, chúng tôi quyết định thử sức với các mảng khác nhau như mạng xã hội, âm nhạc,… và đặt ra mục tiêu 1441 (đạt mốc 41 triệu người dùng năm 2014), dù khi đó Việt Nam mới chỉ có 14 triệu người dùng Internet.
Vậy sứ mệnh của công ty “Từ Việt Nam vươn tầm thế giới” có thể hiểu như thế nào?
Sứ mệnh đầu tiên mà chúng tôi đặt ra là “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt”. Chúng tôi muốn vận hành một công ty Internet và có những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Chúng tôi đã có những sản phẩm có hàng chục triệu người dùng mỗi ngày. Và chúng tôi cũng rất may mắn khi Internet tại Việt Nam rất phát triển và điện thoại thông minh trở thành phần không thể thiếu. Chúng tôi cũng tự hào khi bản thân mình đã được tham gia và đóng góp một phần nhỏ trong quá trình bùng nổ của Internet tại Việt Nam.
Mục tiêu 1441 về sau chúng tôi đã đạt được và chúng tôi tự hỏi tiếp theo là giờ mình cần làm gì? Bạn sẽ cần phải thoải mái với công việc mình làm mỗi ngày thì mới làm được lâu dài đúng không? Tôi cũng vậy, tôi đã tự hỏi bản thân mình nhiều lần rằng tại sao tôi lại vẫn là CEO của VNG, vì sao tôi vẫn làm công việc này.
Và đến một ngày tôi rút ra những lí do. Thứ nhất là tôi rất muốn tạo ra những sản phẩm công nghệ được nhiều người yêu thích và có tầm ảnh hưởng. Thứ hai là tôi được làm việc với những con người rất tuyệt vời. Chính hai điểm này đã được đưa vào sứ mệnh tiếp theo của công ty, đó là Build Products (Kiến tạo sản phẩm) và Grow People (Phát triển con người). Sẽ có rất nhiều thử thách nhưng điều đó sẽ làm cho hành trình của chúng tôi trở nên thú vị hơn.
Vậy còn kế hoạch IPO thì sao?
Tôi tin là công ty nào cũng sẽ muốn IPO trên hành trình phát triển của mình. Chúng tôi cũng đã đặt ra kế hoạch đó vài năm trước đây, và chuẩn bị các thủ tục cần thiết. Tới năm ngoái thì thủ tục hoàn thành, nhưng đó lại không phải là thời điểm thích hợp cho các công ty công nghệ.
Điều tốt là chúng tôi đã hiểu rõ những rủi ro nhưng không ngại đối mặt với hậu quả. Chúng tôi không dừng lại ở bàn luận mà quan trọng là đã hành động, nhưng chúng tôi cũng nhận ra chúng tôi không nhất thiết phải làm điều đó bằng mọi giá. Điều quan trọng nhất là công ty đã hoàn thiện và trong tâm thế sẵn sàng.
Vậy theo ông, các làn sóng công nghệ tiếp theo sẽ là gì?
AI đang là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Với VNG, chúng tôi cũng đã lập ra mảng kinh doanh mới về các phần mềm, giải pháp dành cho khách hàng doanh nghiệp khoảng 3 - 4 năm trước. Dù trong suốt quá trình phát triển công ty, chúng tôi chủ yếu tập trung vào người dùng cuối (end users).
Chúng tôi tự hỏi, vậy thì tại sao chúng tôi lại làm muốn làm điều đó? Vì kinh doanh điện toán đám mây là một ý tưởng cũ từ 10 - 20 năm trước đây. Nhưng ngay cả khi nhìn vào các công ty cloud lớn nhất thế giới hiện nay, tỷ lệ áp dụng cloud giữa các doanh nghiệp ở Mỹ hoặc các thị trường phát triển khác vẫn chỉ ở mức khoảng 30%. Rõ ràng là một ý tưởng có thể nghe rất cũ nhưng lại có nhiều dư địa để phát triển, thậm chí tới 10 năm sau. Chẳng hạn như Fintech, hay như game, chúng tôi đã làm game hơn mười mấy năm rồi nhưng rõ ràng thị trường này vẫn rất phát triển.
Theo tôi thì đây là điều rất quan trọng, nhất là với các bạn startup. Chúng ta không nên vội vàng chạy đuổi theo những gì đang “hot” mà ai cũng phấn khích làm, mà cần cân bằng với năng lực của mình. Tất nhiên là việc kêu gọi được nhiều đầu tư, theo kịp các xu hướng mới nhất mà mọi người đang làm thì sẽ có cảm giác rất phấn khích, nhưng theo tôi thì nên tập trung vào khả năng ứng dụng của ý tưởng đó về lâu dài, ngay cả khi nó không còn “hot” nữa.
Ông có thể chia sẻ thêm về việc ứng dụng AI trong VNG không?
Các doanh nghiệp hiện nay đều đang ưu tiên ứng dụng AI vào công việc, và không ai thật sự biết cuộc cách mạng AI này sẽ dẫn tới đâu. Chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Chúng tôi tập trung đầu tư phát triển 3 lớp (layers) khác nhau: Cơ sở hạ tầng (infrastructure), mô hình (model) và ứng dụng (application). Chúng tôi cũng là một trong số rất ít các công ty ở Đông Nam Á ra mắt GPU cloud phục vụ khách hàng toàn cầu, với một đội ngũ tại Việt Nam chuyên tùy biến riêng dịch vụ cho thị trường Việt Nam.