Theo số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường GfK, Vsmart đã chính thức chiếm vị trí số 3 về thị phần của thị trường smartphone Việt Nam. Cụ thể hơn, tính đến tháng 3/2020, thị phần của hãng smartphone Việt này đã lên tới mức 16,7%, vượt mặt các đối thủ sừng sỏ khác như Apple và Xiaomi.
Con số 16,7% càng có ý nghĩa hơn khi trong quá khứ, chưa một hãng smartphone số 3 nào có thể đạt thị phần trên 10%: dù rất cố gắng, các thương hiệu khác thường xuyên bị ông lớn Samsung và OPPO đè bẹp. Bằng cách vượt qua mốc 10% (thậm chí còn bỏ xa), Vsmart đã bứt phá ra khỏi top các hãng ngồi "chiếu dưới", thay đổi cục diện của chiến trường Việt Nam từ "song đấu" trở thành kiềng ba chân.
Điều gì đã giúp cho Vsmart có thể làm nên kỳ tích này?
Smartphone của người Việt, có mức giá dành cho người Việt
Tất cả các sản phẩm Vsmart đều có giá thành rất dễ chịu.
Thị trường Việt Nam với dân số trẻ và học vấn cao đã luôn là một thị trường tiềm năng cho smartphone. Không ít hãng Việt Nam cũng đã từng tìm cách tận dụng lợi thế này, nhưng cuối cùng đều thất bại chỉ vì một lý do: giá bán không hấp dẫn.
Thực tế, khi ra mắt Vsmart cũng đã từng mắc phải sai lầm tương tự. Nhưng theo đúng phong cách hoạt động nổi tiếng "đánh nhanh, thắng nhanh" của Vingroup, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm Vsmart đã thay đổi hoàn toàn phương hướng hoạt động. Tháng 11/2019, Vsmart Live ưu đãi giá tới 50% và nhanh chóng cháy hàng. Đầu năm 2020, Vsmart Joy 3 ra mắt với cấu hình mạnh mẽ hơn hẳn đối thủ cùng tầm, doanh số ngày đầu lên tới 12000 máy.
Rõ ràng, giá cả là điểm khác biệt cốt lõi giữa Vsmart và các thương hiệu Việt trước đây. Đây chắc chắn là yếu tố tiên quyết khiến cho thương hiệu Việt đình đám là Bphone không thể đạt thị phần có nghĩa ngay trên thị trường "sân nhà". Tại thời điểm ra mắt, cấu hình của Bphone 3 chỉ ngang ngửa với smartphone Trung Quốc ở tầm giá thấp hơn, và giá bán cũng chưa tới mức "không thể tin nổi" như lời ông Nguyễn Tử Quảng nói. Điều này cũng không bất ngờ vì chính Bphone cũng nhiều lần tuyên bố tập trung trước vào phân khúc cận cao cấp để trở thành "Apple và Samsung của Việt Nam", thay vì tiến vào miếng bánh giá rẻ.
Mobiistar cũng là một thương hiệu Việt khác đã từng gây dựng được đôi chút thành công nhưng cũng bị vướng vào "con đường 2 ngã rẽ", khi không biết nên theo đuổi "thị phần - giá rẻ" hay "lợi nhuận". Kết quả là họ cũng lặng lẽ đi mất khỏi thị trường.
Vừa phá giá hơn cả smartphone Trung Quốc, vừa tích cực quảng bá
Chuyện lạ có thật: Smartphone Việt Nam có cấu hình hấp dẫn hơn cả smartphone Trung Quốc.
Nhưng giá bán không phải là yếu tố duy nhất làm nên thành công. Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu khác cũng có sản phẩm giá rẻ nhưng không thể bứt phá đối đầu với OPPO và Samsung. Điển hình trong số này có thể kể đến Xiaomi và Vivo, 2 thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Để tránh số phận này, Vsmart thực hiện đúng chiêu bài của... Xiaomi nhưng ở cấp độ cao hơn. Không chỉ có giá rẻ, những sản phẩm bán chạy của Vsmart như Live hay Joy 3 đều vượt mặt các đối thủ cạnh tranh về sức mạnh phần cứng, hơn cả "vua phá giá" Redmi, trong khi vẫn tiến hành các hoạt động marketing và quảng cáo (trên cả sóng truyền hình). Cùng tầm giá, cùng cấu hình, lại được quảng bá mạnh mẽ, người Việt không còn lý do gì chọn smartphone Trung Quốc "phá giá cấu hình" nữa.
Ông Phùng Ngọc Tuyên - Giám Đốc Ngành Hàng Viễn Thông Di Động tại chuỗi bán lẻ TGDĐ nhận định: "Rõ ràng trước đây chưa có Vsmart thì các hãng điện thoại Trung Quốc có lợi thế rất lớn về giá, tạo ra sân chơi khiến các ông lớn như Samsung, Apple rất cực để cạnh tranh. Từ khi Vsmart xuất hiện thì khiến không chỉ các ông kia... cực hơn, mà điện thoại Trung Quốc cũng không còn lợi thế về giá nữa".
Quyết tâm (và tiềm lực) khổng lồ
Cách duy nhất để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh với nước ngoài: mạnh tay đầu tư cho dây chuyền, chuỗi cung ứng, nhân sự, công nghệ...
Tương tự, ông Phạm Quốc Bảo Duy - Giám đốc ngành hàng điện thoại chuỗi FPT Retail - cho rằng Vsmart có 3 lợi thế đặc biệt:
"Người tiêu dùng bây giờ rất thông minh, có nhiều sự lựa chọn trên nhiều phân khúc giá của nhiều hãng… Khi sản phẩm hội tụ đủ 3 yếu tố [thiết kế đẹp, giá cả hợp lý, chế độ hậu mãi tốt] thì người tiêu dùng sẽ tin dùng sản phẩm của mình. Vsmart bán tốt vì sản phẩm của họ hội tụ đầy đủ 3 yếu tố đó".
Nhưng cả 3 đều không phải là những lợi thế dễ dàng mà có được: muốn có smartphone đẹp, giá tốt lại hậu mãi chu đáo, các hãng sản xuất sẽ phải thực hiện đầu tư lớn, chấp nhận rủi ro cao. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao trong nhiều năm không hãng nào bứt phá ra khỏi "chiếu dưới" để vươn lên đối đầu cùng OPPO và Samsung. Ngay cả smartphone Xiaomi cũng chấp nhận thất bại, do giá bán tại Việt Nam cao hơn hẳn giá "gốc" tại Trung Quốc.
Chắc chắn, Vsmart sẽ không dừng lại ở con số 16,7%.
Vsmart thì khác. Khi Vingroup tuyên bố tham gia vào mảng sản xuất công nghiệp, nhiều người đã từng nghĩ đây chỉ là một mảng kinh doanh "phụ" của hãng. Nhưng khi tập đoàn này bán đi chuỗi siêu thị Vinmart để tập trung cho công nghệ, hay khi nhà máy công suất 125 triệu/máy một năm được công bố, không còn ai nghi ngờ về mức độ quyết tâm của Vingroup trên thị trường smartphone nữa cả.
Chính quyết tâm này đã tạo thành tiềm lực khổng lồ cho phép Vsmart vượt mặt nhiều đối thủ nước ngoài chỉ trong vòng 18 tháng kể từ ngày công bố ra mắt chiếc smartphone đầu tiên. Chính quyết tâm (và tiềm lực khổng lồ) này đã tạo ra một kỳ tích: vượt mặt các đối thủ về giá bán/cấu hình lẫn chính sách hậu mãi, Vingroup đã tạo ra chiếc smartphone Việt đầu tiên có thể thành công trên chính thị trường Việt.
Biết trước rằng đây sẽ là cuộc chơi "đốt" tiền mạnh mẽ nhất lịch sử Vingroup và tất nhiên, cũng chẳng hề dễ dàng (có lẽ chỉ sau có... Vinfast) nhưng là người Việt, chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai của Vsmart - smartphone của người Việt, giá Việt.