Phân biệt giữa "kháng nước" và "chống nước"
Đầu tiên, bạn phải hiểu rõ chiếc smartphone của mình trước khi sử dụng. Một vài năm trở lại đây, các hãng bắt đầu chú ý tới việc phát triển những chiếc điện thoại có khả năng kháng nước. Thế nhưng người dùng lại không hiểu rõ về khái niệm này và tưởng nó giống như chống nước. Thành ra tâm lý chủ quan và nghĩ rằng điện thoại của mình "bơi được".
Để đo độ "trâu" của các chiếc điện thoại người ta dùng chuẩn IP. Đây là một chuẩn được Ủy Ban Kỹ Thuật Điện Quốc Tế (IEC) đưa ra nhằm đánh giá xem thiết bị điện trụ được bao lâu trong điều kiện nước và bụi bẩn.
Ký tự tiếp theo sau cụm "IP" dùng để đánh giá mức chống lọt bụi, cát của thiết bị. Nếu đạt được chuẩn IP6 thì thiết bị đó sẽ có khả năng chống lọt bụi 8h liên tục.
Ký tự thứ 4 để chỉ mức độ chống lọt nước vào thiết bị. Các mẫu smartphone có chống nước thường được đạt tiêu chuẩn IP67 hoặc IP68. Nghĩa là trong điều kiện tiêu chuẩn, smartphone đạt IP68 có thể chống nước ở độ sâu tối đa 1,5 m với thời gian 30 phút.
Samsung Galaxy S10 cũng chỉ được trang bị tiêu chuẩn kháng nước chứ không phải chống nước.
Các mẫu điện thoại mới nhất đạt chuẩn IP68 là iPhone 11 Pro và Pro Max, Samsung Galaxy Note 10, Google Pixel 4. Vì thiết kế chiếc smartphone có chuẩn IP67, 68 khá đắt đỏ nên phần lớn chỉ những flagship mới được hãng trang bị tính năng này.
Hơn nữa, việc hãng công nghệ trang bị tính năng này trên điện thoại cũng chỉ để phòng cho những trường hợp hi hữu. Không nên quá ỷ lại vào các thông số mà đem điện thoại đi nhúng lẩu, tập bơi.
Bởi vì điều kiện thử nghiệm và môi trường thực tế đôi khi khác xa nhau. Theo đó, sau thời gian dài sử dụng thì hiệu quả chống nước sẽ không còn được như ban đầu. Một sự thật trớ trêu rằng, phần lớn những chiếc điện thoại "chết đuối" lại là các smartphone được trang bị chuẩn chống nước.
Dưới đây là vài mẹo nhỏ giúp cứu sống điện thoại khi bị vào nước.
Tắt nguồn, tháo SIM
Sau khi vớt điện thoại lên khỏi chỗ nước, việc cần phải làm ngay là ngắt nguồn để giảm thiểu nguy cơ chập mạch, IC... Tiếp theo nên tháo khay sim ra vì cái khe nhỏ bé này có thể là nơi đầu tiên mà nước lọt vào.
Làm khô điện thoại càng nhanh càng tốt
Lấy chiếc khăn mềm lau toàn bộ xung quanh để làm khô. Tuyệt đối không sử dụng máy sấy tóc để làm khô điện thoại. Máy sấy có thể khiến cho nước lọt vào sâu trong điện thoại hơn và nhiệt lượng quá lớn sẽ gây hỏng hóc linh kiện. Sau đó, bỏ điện thoại vào hộp chất đầy vật liệu hút nước tốt như gạo rồi chờ đợi trong ít nhất 8h.
Nếu có gói chống ẩm thì nên sử dụng thay vì dùng gạo
Sử dụng gạo sẽ không có hiệu quả quá cao như bạn nghĩ. Thay vào đó hãy sử dụng các vật liệu có khả năng hút ẩm cao như silica gel. Thí nghiệm của Gazelle - công ty chuyên thu mua điện thoại hỏng về sửa rồi đem bán đã chứng minh điều đó. Trong thí nghiệm của mình, Gazelle đã cho 9 chiếc điện thoại "bơi" trong nước khoảng 10 giây rồi đặt chúng vào những bát chứa các vật liệu hút ẩm dễ kiếm như gạo, ngũ cốc... Kết quả là có 3 chiếc điện thoại xấu số không thể bật lên. Thí nghiệm cũng chỉ ra rằng các máy Samsung thoát nước dễ hơn iPhone.
Silica hiệu quả đến mức thậm chí nó còn được sử dụng để chống ẩm cho gạo, ngũ cốc, các loại bánh, kiện hàng... Do đó, thay vì lựa chọn gạo để cứu điện thoại thì bạn nên sử dụng vật liệu này. Để kiếm được một gói hút ẩm này thì có thể mua hoặc lấy ngay ở trong các hộp bánh như Chocopie.