Theo tờ Space, công phát hiện thuộc về nam sinh viên 18 tuổi Lois Leblanc, thuộc nhóm tình nguyện Vigie-Ciel - một dự án liên kết với nhiều tổ chức bao gồm Đài thiên văn Paris và Đại ọc Paris-Saclay nhằm huy động những nỗ lực từ công chúng trong nghiên cứu thiên văn.
Viết trên Twitter, Lois cho biết cậu đã phát hiện ra "một tảng đá sẫm màu gần mặt đất, giữa một cánh đồng". Khu vực phát hiện là thị trấn Saint-Piere le Viger. Nhóm tình nguyện của cậu đang có kế hoạch phối hợp với người dân địa phương rà soát khu vực để tìm thêm các mảnh vỡ.
Vật thể lạ này chính là quả cầu lửa gây rùng mình đã phát sáng trên bầu trời châu Âu lúc 3 giờ sáng ngày 13-2 (giờ GMT, tương ứng 10 giờ sáng cùng ngày ở Việt Nam). UFO này được xác định là một vật thể tự nhiên - một tiểu hành tinh nhỏ - tuy nhiên thứ gây sợ hãi là việc nó đúng nghĩa "từ trên trời rơi xuống", chỉ được biết đến trước khi xâm nhập khí quyển Trái Đất vài giờ.
Sự kiện này lại xảy ra sát với ngày 15-2, là kỷ niệm 10 năm kể từ sự kiện tiểu hành tinh Chelyabinsk phát nổ trên bầu trời nước Nga khiến nhiều người bị thương.
Vật thể lạ được đặt tên 2023 CX1 và được coi như một "lời cảnh báo" về hiểm họa không gian đối với nhân loại. Nếu nó lớn hơn và không may rơi xuống chỗ có người ở hay phát nổ như Chelyabinsk, đó sẽ là một thảm họa rất khó lường.
NASA, ESA và các cơ quan vũ trụ khác khắp thế giới luôn có các chương trình giám sát các vật thể có khả năng tiếp cận gần Trái Đất, thậm chí đã chuẩn bị cả các sứ mệnh nhằm hất văng các vật thể có thể gây thảm họa giống tiểu hành tinh Chicxulub 66 triệu năm trước (làm khủng long tuyệt chủng). Tuy nhiên không phải lúc nào các nhà quan sát cũng phát hiện được các tiểu hành tinh trước khi chúng xâm nhập khí quyển Trái Đất.