Phát hiện bất ngờ về lớp vỏ "mất tích" của Trái Đất

Nghiên cứu mới hé lộ số phận của những mảnh vỏ cổ xưa đã bị Trái Đất tự "nuốt chửng."

Theo Live Science, công trình mới cho thấy kiến tạo mảng hiện đại - quá trình 15 mảnh vỏ của Trái Đất liên tục đổi chỗ, trượt đè lên nhau làm di chuyển các đại dương và lục địa - chỉ vừa xảy ra khoảng 1 tỉ năm qua. Trong quá trình đó các mảnh liên tục va chạm, trượt lên nhau. Số phận của các mảnh bị đè lên và nuốt vào lòng đất vẫn là bí ẩn.

Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi ETH Zurich (Thụy Sĩ) và Đại học Texas ở Austin (Mỹ) cho thấy các mảnh vỏ bị nuốt chửng, đè nghiến xuống bên dưới không hề tan rã để rồi bị tái chế cùng với vật liệu sâu của lòng đấy như suy nghĩ trước đây.

Theo Phys.org, chúng sẽ trở nên yếu ớt, bị uốn cong và nếu xem xét mặt cắt, chúng sẽ như một con rắn đồ chơi nhiều đoạn hoặc một đoạn dây trang trí lượn sóng.

Để đi đến kết luận này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình 2D của các vùng hút chìm và lập trình mô hình bằng cách sử dụng những kiến thức địa vật lý đã biết về kiến tạo mảng và cách vật liệu đá của Trái Đất được chính hành tinh sử dụng và tái sinh, kết hợp với một số quan sát thực tế.

Mô hình cho thấy khi một mảnh vỏ - tức một mảng kiến tạo - bị chui xuống bên dưới một mảng khác, nó đột ngột bị uốn cong và bị nứt. Sự uốn cong làm cho các hạt ở mặt dưới của tấm vỏ trở nên mịn hơn và yếu hơn, làm xuất hiện những "điểm yếu" sẽ trở thành vùng lõm. Nó sẽ tiếp tục trượt bên dưới mảng kiến tạo bên trên suốt hàng trăm triệu năm, bị kéo giãn, lồi lõm, biến dạng hoàn toàn.

Mô phỏng này khớp với các quan sát và hình ảnh địa chấn sâu ở một số khu vực hút chìm ở Nhật Bản. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.