Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine ngày 26/3/2025, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Hui Liu từ Bệnh viện nhãn khoa và quang học, Đại học Y khoa Ôn Châu, dẫn đầu đã phát hiện hai loại tế bào mới. Điều này bao gồm tế bào giống tế bào gốc võng mạc thần kinh (hNRSC) và tế bào giống tế bào gốc biểu mô sắc tố võng mạc (RPE).
Nằm ở phía sau mắt, võng mạc có vai trò quan trọng trong việc phát hiện ánh sáng và chuyển đổi nó thành tín hiệu cho não. Khi võng mạc bị tổn thương do lão hóa, tiểu đường hay chấn thương, có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như thoái hóa điểm vàng và viêm võng mạc sắc tố, thậm chí là mù lòa.
Hiện tại, các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn các tế bào còn sống mà chưa có phương pháp tái tạo chức năng võng mạc đã mất. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy các tế bào hNRSC trong đĩa petri và cấy ghép chúng vào chuột mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố. Kết quả cho thấy, các tế bào này đã biệt hóa thành tế bào võng mạc của chuột và phục hồi đáng kể thị lực cho chúng.
Sẽ cần thêm thời gian để thử nghiệm phương pháp với con người.
Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định tính khả thi của phương pháp này trên con người, nhưng việc tái tạo võng mạc bằng tế bào gốc từ võng mạc thai nhi được coi là một bước tiến hứa hẹn trong y học tái tạo. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng: “Nghiên cứu này không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về sinh học tế bào võng mạc mà còn có tiềm năng lớn trong việc phát triển các biện pháp can thiệp điều trị cho các bệnh thoái hóa võng mạc”.
Phát hiện này mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu tế bào gốc trong việc tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả hơn trong tương lai.