Phát hiện gây sốc: Dải Ngân Hà chứa đến 300 triệu hành tinh có thể ở được

Các nhà khoa học đưa ra một ước tính mới về số lượng hành tinh có thể ở được dựa trên các số liệu thực tế.

Vào năm 1961, tiến sĩ Frank Drake đã đưa ra một phương trình được gọi là “phương trình Drake”, dùng để tìm kiếm các nền văn minh ngoài Trái Đất mà có thể liên lạc với Trái Đất bằng sóng vô tuyến. Việc tính toán dựa trên một số yếu tố, bao gồm tốc độ hình thành một ngôi sao trong vũ trụ, tỷ lệ xuất hiện một ngôi sao có hành tinh bay quanh, số hành tinh có thể phát triển sự sống, số lượng sự sống thông minh, số lượng nền văn minh công nghệ cao và tuổi thọ của nền văn minh đó…

“Phương trình Drake” từng được các nhà khoa học xem là kim chỉ Nam trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Tuy nhiên vấn đề phát sinh ở chỗ số liệu dùng để tính toán vào thời điểm đó không chính xác, thế nên kết quả là phương trình Drake ra kết quả có từ 1 đến 100 triệu nền văn minh trong thiên hà của chúng ta. Đây là một ước tính quá rộng, và không mang tính chất cụ thể.

Phát hiện gây sốc: Dải Ngân Hà chứa đến 300 triệu hành tinh có thể ở được - 1

Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, khi khoa học không gian liên tục phát triển, các nhà khoa học đã có trong tay số liệu cụ thể hơn để tính toán. Sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng chuyên dùng để săn ngoại hành tinh Kepler, cùng với thông số từ chương trình Gaia, thuộc dự án kính thiên văn không gian của Châu Âu, các nhà khoa học tính ra số lượng hành tinh có thể ở được trong Dải Ngân Hà của chúng ta.

Thông qua việc xem xét những ngoại hành tinh có kích thước tương tự Trái đất, quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời có cùng độ tuổi và nhiệt độ, và nằm trong vùng ở được quanh ngôi sao, nơi nước lỏng có thể tồn tại, kết hợp thông số về lượng năng lượng do sao chủ phát ra từ chương trình Gaia, các nhà khoa học ước tính có tới khoảng 300 triệu hành tinh có thể ở được trong Dải Ngân Hà của chúng ta.

Phát hiện gây sốc: Dải Ngân Hà chứa đến 300 triệu hành tinh có thể ở được - 2

Có đến 300 triệu hành tinh có thể ở được ngay trong thiên hà của chúng ta.

Nghiên cứu mới này định nghĩa rằng “hành tinh ở được” không chỉ dựa trên khoảng cách từ hành tinh đó đến ngôi sao chủ, mà còn dựa trên cả lượng ánh sáng mà hành tinh nhận được. Bởi vì dù khoảng cách phù hợp nhưng sao chủ có nhiệt độ hay độ sáng quá mạnh hoặc quá yếu cũng không thể nào tồn tại sự sống.

Với tính toán mới của các nhà khoa học, chúng ta có thể hiểu được rằng Dải Ngân Hà của chúng ta sôi động hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Với hơn 300 triệu hành tinh phù hợp cho sự sống phát triển, biết đâu trong số đó lại có một vài hành tinh thực sự đã phát triển các giống loài thông minh?