Phát hiện hai lỗ đen gần Trái Đất nhất, thuộc loại chưa từng thấy

Hai lỗ đen ẩn nấp ở "sân sau của Trái Đất" với khoảng cách chỉ 1.560 và 3.800 năm ánh sáng, đại diện cho một loại mà các nhà thiên văn học chưa từng thấy.

Các lỗ đen được đặt tên là Gaia BH1 và Gaia BH2, do được phát hiện từ dữ liệu của tàu vũ trụ Gaia do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) điều hành.

Theo tờ Space, Gaia BH1 nằm cách TRái Đất 1.560 năm ánh sáng về hướng chòm sao Xà Phu, trong khi Gaia BH2 cách Trái Đất 3.800 năm ánh sáng về hướng chòm sao Bán Nhân Mã, thuộc khu vực được gọi là "sân sau của Trái Đất", vùng mà hầu hết các kính thiên văn không hướng về.

Đây là các khoảng cách gần kỷ lục của các lỗ đen từng được phát hiện quanh Trái Đất.

Trưởng nhóm nghiên cứu Kareem E-Badry, người đồng thời làm việc cho Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) và Viện Thiên văn học Max Plack (Đức), cho biết: "Điều khiến nhóm lỗ đen mới này khác biệt là chúng có khoảng cách lớn với các ngôi sao đồng hành".

Lỗ đen khối lượng sao, tức loại lỗ đen nhỏ như Gaia BH1 và Gaia BH2 có thể đồng hành với một ngôi sao và tạo ra một hệ thống phát sáng trong bức xạ tia X trong các quan sát.

Chúng thường khá gần nhau và tương tác, trong đó lỗ đen ăn mòn dần ngôi sao đồng hành và chính điều đó khiến hệ thống phát sáng.

Tuy nhiên, hai lỗ đen này ở xa, hoàn toàn tối vì hiệu ứng hấp dẫn mà chúng tác động lên bạn đồng hành không hề giúp chúng phát sáng. Cách mà các cặp đôi xa cách kỳ lạ này vẫn chưa thể lý giải.

Các nhà khoa học hy vọng câu trả lời sẽ được tìm thấy khi có thêm những hệ thống tương tự lộ diện, một nhiệm vụ khó bởi những lỗ đen tối tăm này rất khó để quan sát - lý do chúng ở gần Trái Đất như thế mà bấy lâu vẫn ẩn nấp thành công.