Một lỗ hổng mới vừa được phát hiện có tên là Efail, đang có mặt ở hàng loạt phần mềm email thông dụng, giúp hacker có thể đọc trộm email của người dùng dễ dàng...
Vừa mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu bảo mật tại châu Âu đã tìm ra một lỗ hổng mới và được họ đặt tên là Efail, theo đó hacker có thể lợi dụng để vượt qua các giao thức mã hóa trên các phần mềm email để chèn mã độc, đọc được nội dung email của người dùng.
Kết quả nghiên cứu đã được nhóm chuyên gia bảo mật này công bố, đồng thời còn chỉ rõ cách thức các hacker lợi dụng lỗ hổng để chèn các đoạn mã vào phần mã HTML của email.
Hàng loạt phần mềm email thông dụng có thể bị khai thác qua giao thức mã hóa PGP và S/MIME. |
Theo đó, khi kẻ tấn công có được email (đã mã hóa) của người dùng, chúng có thể chèn vào trong đó một đoạn mã (bao gồm cả địa chỉ trang web), và yêu cầu phần mềm email gửi nội dung không mã hóa tới một địa chỉ nhất định.
Phương thức tấn công dựa trên lỗ hổng như thế này vốn đã tồn tại từ lâu và có liên quan đến cả hai giao thức mã hóa PGP và S/MIME trên email. Nhiều phần mềm email thông dụng như Thunderbird, Outlook hay phần mềm Mail trên macOS đều hỗ trợ các giao thức mã hóa này.
Sau khi phát hiện lỗ hổng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra lời khuyên cho người dùng rằng: Hãy tạm ngừng sử dụng hai giao thức mã hóa nói trên.
“Nếu bạn sử dụng giao thức PGP hoặc S/MIME để mã hóa các thông tin nhạy cảm thì đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Lỗ hổng mới khiến cho những email này không còn được bảo mật. Hoàn toàn có khả năng xảy ra những vụ tấn công, khiến các email bị giải mã hết nội dung”, ông Matt Green, giáo sư về mã hóa tại Đại học Johns Hopkins đã chia sẻ với phóng viên của trang tin Ars Technica, như thế.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhóm nghiên cứu mới chỉ thử nghiệm một số tình huống giả định, trong đó, chức năng xem email theo chuẩn HTML phải bật lên thì mới có thể khai thác lỗ hổng. Tuy nhiên các thành viên cũng cho biết họ đã nghĩ tới một vài kịch bản khác để khai thác lỗ hổng nói trên.
Liên quan đến vụ việc, tổ chức nguồn mở GNU Privacy Guard - đơn vị phát triển chuẩn PGP, cho rằng đây là lỗi do các phần mềm email. Đại diện của tổ chức này khẳng địng, "Chúng (phần mềm email) không kiểm tra lại giao thức mã hóa, chứ không phải lỗi ở bản thân giao thức".