Phát hiện đến từ vệ tinh Cheops của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), một "thợ săn ngoại hành tinh" tối tân. Cheops đã quan sát vùng không gian xung quanh ngôi sao Nu2 Lupi, vốn có thể thấy được từ Trái Đất, và tìm ra 2 ngoại hành tinh là Nu2 Lupi b và Nu2 Lupi c, mỗi vòng quay quanh sao mẹ mất lần lượt 11,6 và 27,6 ngày Trái Đất.
Thế nhưng theo Phys.org, trong lúc nghiên cứu Nu2 Lupi c, một hành tinh được cho là giàu nước, các nhà khoa học đã phát hiện một "bóng ma" hiện ra. Đó là Nu2 Lupi d, một hành tinh mất tới 107,6 ngày đề quay quanh sao mẹ.
Đây là lần đầu tiên một ngoại hành tinh có chu kỳ trên 100 ngày được phát hiện khi nó tình cờ bay qua giữa khoảng không Trái Đất – sao mẹ, vì khoảnh khắc đó vô cùng hiếm hoi.
Hệ sao này được gọi là "hệ sao chuyển tiếp", tức các hành tinh quay quanh được "nhìn" bằng những thay đổi ánh sáng của sao mẹ khi nó bay ngang. Theo tiến sĩ Laetitia Delrez từ Đại học Liège (Bỉ), tác giả chính của nghiên cứu, những hệ thống như thế này là cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu trọn vẹn về một hệ sao. Bởi khi bay ngang sao mẹ, ngoại hành tinh đó sẽ cho chúng ta cơ hội quý giá để nghiên cứu bầu khí quyển, quỹ đạo, kích thước và nội thất của nó.
Trong khi Nu2 Lupi b là một hành tinh đá khắc nghiệt thì Nu2 Lupi c và Nu2 Lupi d rất nhiều nước – có thể chiếm tới 1/4 khối lượng hành tinh, tức gấp hàng trăm lần tỉ lệ nước trên Trái Đất (nước trên Trái đất chiếm 0,1% khối lượng hành tinh).
Nu2 Lupi d là thế giới thú vị nhất vì có nhiệt độ ôn hòa và ít bị ảnh hưởng bởi bức xạ vũ trụ khắc nghiệt như các ngoại hành tinh khác. Rất tiếc nhóm nghiên cứu không cho là nó phù hợp với sự sống.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.