Phát hiện kinh ngạc về "Trái Đất bị thất lạc" của hệ Mặt Trời

Dữ liệu mới mà "nhà thám hiểm" lâu năm Curiosity của NASA vừa thu thập được trên Sao Hỏa xác thực việc nó đã trải qua nhiều thời kỳ là hành tinh sống được giống như Trái Đất.

Theo tiến sĩ Roger Wiens từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, bằng chứng mới được thu thập từ những lớp đá ở miệng hố va chạm Martian Gale, nơi mà cỗ xe tự hành Curiosity khám phá với mục đích tìm kiếm bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh.

Phát hiện kinh ngạc về "Trái Đất bị thất lạc" của hệ Mặt Trời - 1

Tại dốc núi Sharp nằm trong miệng hố va chạm, những lớp đá đã tiết lộ khí hậu Sao Hỏa đã có giai đoạn khí hậu xen kẻ giữa ẩm ướt và khô hạn, trước khi chuyển sang giai đoạn khô cằn vĩnh viễn. Điều này thể hiện qua việc trầm tích khu vực này thay đổi mạnh mẽ.

Theo Sci-News, phía trên lớp đất sét lắng đọng, các lớp đá sa thạch bảo tồn những cấu trúc lạ liên quan đến các đụn cát do gió tạo thành những lúc hành tinh hóa sa mạc. Nhưng bên trên nữa, các lớp nền xen kẽ giòn và mềm lại là dạng trầm tích của vùng sông ngòi, thường xuyên ngập lũ...

Nói cách khác, Sao Hỏa thực sự đã có những giai đoạn là thế giới giống Trái Đất, với nước dồi dào, phù hợp cho sự sống. Nhưng xen kẽ đó là "thời kỳ sa mạc", trước khi một biến động bí ẩn nào đó khiến nó khô cằn vĩnh viễn.

Bài công bố trên tạp chí Geology cho biết giai đoạn xen kẽ này xảy ra vào thời kỳ Hesperian, khoảng 3 tỉ năm trước.

Việc xác định các thời kỳ sống được của Sao Hỏa là mục tiêu NASA theo đuổi những năm gần đây, sau phát hiện vài năm trước của Curiosity về "khối xây dựng sự sống" cổ đại. Có thể hiện tại "Trái Đất thứ 2" của hệ Mặt Trời này đã tuyệt chủng, nhưng các nhà khoa học vẫn hy vọng lớn vào một thế giới cổ sinh vật học ngoài hành tinh phong phú.