Theo Science Alert, "Trái Đất thứ hai" chính là cánh cửa sổ vượt thời gian để chúng ta nhìn vào tương lai vài tỉ năm tới, khi địa cầu bị Mặt Trời nuốt chửng trong cú giận giữ cuối cùng - hóa thành sao khổng lồ đỏ trước khi sụp đổ thành sao lùn trắng.
Trong nghiên cứu mới, một nhóm khoa học gia từ Anh đã nhìn vào hai ngôi sao lùn trắng cách Trái Đất 90 năm ánh sáng, trong đó WD J2147-4035 mang màu đỏ bất thường do bị ô nhiễm từ vật liệu của các thiên thể khác, ngôi sao còn lại WD J1922+0233 thì xanh một cách bất thường. Ngôi sao xanh cũng bị ô nhiễm, bởi một thứ thú vị: một "Trái Đất" cổ đại.
Một trong các tác giả chủ chốt của nghiên cứu - nhà vật lý thiên văn Abbigail Elms từ Trường Đại học Warwick (Anh) - cho biết: "Chúng tôi đang tìm kiếm tàn dư của ngôi sao lâu đời nhất trong Milky Way (Ngân Hà, tức thiên hà chứa Trái Đất) bị ô nhiễm bởi các hành tinh giống Trái Đất".
Ngôi sao lùn trắng màu xanh nói trên là một đại diện ngoài mong đợi, bởi rất cổ xưa. Ước tính nó đã nuốt "Trái Đất thứ hai" xấu số tận 9 tỉ năm trước, và hành tinh đó phải hơn 10 tỉ năm tuổi - tức già gấp đôi địa cầu của chúng ta.
Tất nhiên, thứ các nhà thiên văn tìm thấy không phải một hành tinh toàn vẹn, mà là tàn tích của nó, hòa lẫn trong bầu khí quyển của ngôi sao lùn trắng và mang những dấu hiệu hóa học mà kính thiên văn có thể nắm bắt được.
Sao lùn trắng vốn là "thây ma" của những ngôi sao, rất nhỏ nhưng giàu năng lượng.
Hành vi nuốt hành tinh của nó xảy ra trong giai đoạn "hấp hối" trước đó, tức khi ngôi sao cạn năng lượng và bùng lên thành sao khổng lồ đỏ. Chính Trái Đất chúng ta cũng sẽ có kết cục tương tự vì theo các tính toàn, khi Mặt Trời đến giai đoạn này nó sẽ nở rộng đủ to để nuốt cả Sao Thủy, Sao Kim và Trái Đất.
Để đi đến phát hiện này, các nhà khoa học đã sử dụng Đài quan sát không gian Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), mang siêu kính viễn vọng có nhiệm vụ lập bản đồ Ngân Hà.
Dấu hiệu của natri, canxi, kali và nhiều nguyên tố nặng khác đại diện cho các mảnh lục địa giống Trái Đất đã lộ diện. Sao lùn trắng có cường độ hấp dẫn cực mạnh nên đã tự nuốt tất cả nguyên tố nặng của mình vào trong, những cái lang thang trong bầu khí quyển như thế phải thuộc về một vật thể khác bị nó xé toạc.
"Hai sao lùn trắng được quan sát cung cấp cơ hội thú vị cho sự hình thành hành tinh trong một môi trường nghèo kim loại và giàu khí khác với các điều kiện khi hệ Mặt Trời hình thành" - nhà vật lý thiên văn Pier-Emmanuel Tremblay, một đồng tác giả cũng đến từ Trường Đại học Warwick, cho biết.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.