Nhóm khoa học gia, tập hợp thành một đơn vị gọi là Cơ quan Khảo sát Năng lượng tối (DES) đã hướng kính viễn vọng Victor M.Blanco đặt tại Chile lên bầu trời để quan sát hàng triệu thiên hà liên kết với nhau bởi vật chất đới, sự phân bố của các thiên hà và cách thức mà ánh sáng từ chúng đến được Trái Đất.
Với vật chất tối, tuy là thứ vô hình, nhưng cũng bị lộ diện bởi cách nó tương tác với các vật chất nhìn thấy được xung quanh và cách nó tác động lên ánh sáng từ các thiên hà đến Trái Đất.
Theo Science Alert, trong một loạt nghiên cứu vừa công bố, DES khẳng định bản đồ của họ, bao phủ 1/8 bầu trời khi nhìn từ Trái Đất, là bản đồ vật chất tối lớn nhất từ trước đến nay và đã chỉ ra được rằng vũ trụ có những cụm thiên hà khổng lồ chụm lại với nhau, nơi vật chất tối cũng bị "đóng gói" dày đặc.
Khu vực được lập bản đồ vật chất tối (màu tím-cam) - ảnh: DES
Nhưng cũng có những mảng vũ trụ kỳ dị hé lộ trong bản đồ: không có vật chất tối và cũng không có thiên hà. Những khu vực lộn xộn và trốnng trải này dường như chỉ được kết nối bằng những sợi khí giữa các vì sao, tạo nên một mạng vũ trụ chỗ dày đặc, chỗ "thủng lỗ".
Phát biểu trên The Guardian, tiến sĩ Niall Jefferey, nhà vũ trụ học từ University College London (thuộc Đại học London, Anh), gọi các lỗ thủng này là "khoảng trống vũ trụ", được định nghĩa là nơi có mật độ rất thấp của vũ trụ, hầu như vắng bóng thiên hà và vật chất tối. Trong bản đồ của họ, các khoảng trống hiển thị màu đen, trong khi các cụm thiên hà màu cam sáng được bao vây bởi vật chất tối tím thẫm.
Theo nhóm nghiên cứu, bản đồ của họ đã "gói gọn" một vùng vũ trụ rộng lớn với tận 226 triệu thiên hà.