Phong trào chơi máy ảnh film giữa kỷ nguyên 4.0: Màn "comeback" bất ngờ của những giá trị ngược dòng thời đại

Vài năm trở lại đây, những chiếc máy ảnh film hoài cổ bỗng được ưa chuộng hơn nhiều trong giới trẻ. Điều đặc biệt nào đã khiến chúng trở lại giữa thời kỳ thịnh hành của máy ảnh số và smartphone tới vậy?

Dạo quanh một ngày nắng đẹp trên phố đi bộ Hồ Gươm, hay lượn lờ giữa chiều thu se lạnh và ghé qua vài quán cafe với thiết kế bắt mắt, không khó để bắt gặp các bạn trẻ thi nhau tạo dáng trước những chiếc máy ảnh sáng loáng bằng kim loại với lớp da tinh tế bọc quanh thân.  Không khó để bạn nhận ra đó là đặc trưng quen thuộc của những chiếc máy ảnh film cổ điển. Dường như chúng đang xuất hiện nhầm thời điểm, nhưng thật lạ làm sao, ta lại thấy sự hiện diện của chúng ngày một nhiều trên đường phố hay trong những không gian có thiết kế vintage.

Vậy điều gì đang khiến nhiếp ảnh bằng film dần quay trở lại trong vài năm gần đây? Hãy cùng đi tìm lời giải thông qua câu chuyện phía sau khung cửa shop máy ảnh cổ và lời kể của các chú, bác thợ ảnh lão làng để hiểu hơn về phong trào chụp film đang rầm rộ nổi lên trong giới trẻ.

Phong trào chụp máy ảnh film và bước biến chuyển khó ngờ

Kể ra thì khó tin, nhưng "bình minh" của phong trào chụp film những năm gần đây lại bắt đầu từ chính giai đoạn thoái trào của máy film và thịnh hành của máy số. Đấy là vào khoảng 10 năm trước, thời điểm mà công nghệ máy ảnh kỹ thuật số đã trở nên phổ biến hơn, được ưa chuộng bởi cả các studio và những diễn đàn bàn luận đông đảo trên Internet.

Phong trào chơi máy ảnh film giữa kỷ nguyên 4.0: Màn comeback bất ngờ của những giá trị ngược dòng thời đại - Ảnh 1.

Đây cũng là giai đoạn trước khi smartphone cao cấp với công nghệ camera và thuật toán xử lý màu rực rỡ được sử dụng rộng rãi. Chứng kiến sự lạc lõng của ảnh film, nhiều người thậm chí còn dự đoán sở thích hoài cổ này sắp "chết" hoàn toàn khi những cửa hiệu dần chuyển sang bán máy ảnh số, hay những lab tráng film ngày một trở nên hiếm hơn.

Tuy nhiên, đó cũng là lúc dần dà xuất hiện những cá nhân bị cuốn hút và tò mò về các dòng máy ảnh cổ điển, bắt đầu bán những chiếc máy bằng kim loại bắt mắt này trên diễn đàn mạng. Một trong số đó là anh Bắc, chủ cửa hàng máy film The X Cameras, bấy giờ vẫn còn là sinh viên trường Đại Học Ngoại Thương.

"Khi ấy, việc mua những máy ảnh số full frame và hệ thống ống kính của chúng còn rất đắt. Vậy nên, nhiều người bắt đầu tìm đến những ống kính manual focus (lấy nét tay) vốn chỉ dành cho máy film và lắp lên những chiếc máy số. Những ống kính này vừa rẻ, lại vừa cho ra chất lượng hình ảnh tuyệt vời, nên thời điểm đó phong trào sử dụng chúng bắt đầu trở nên phố biến. Cũng từ việc sử dụng những loại ống kính này đã đưa một số người đến với việc tìm lại đam mê về máy film và nhiếp ảnh film", anh Bắc giải thích một phần lý do vì sao máy ảnh film vẫn sống trước cánh tay bóp nghẹt của công nghệ thời đại 4.0.

Dù vậy, thị trường khi đó gần như không mấy ai còn duy trì những cửa hàng bán máy film như trước. Điều này vô tình trở thành động lực để anh Bắc nảy ra ý tưởng nhập lại những chiếc máy film về và phân phối cho những ai có nhu cầu.

Phong trào chơi máy ảnh film giữa kỷ nguyên 4.0: Màn comeback bất ngờ của những giá trị ngược dòng thời đại - Ảnh 2.

Anh Thanh Bắc, chủ cửa hàng The X Cameras.

"Mình khởi đầu bằng việc bán những chiếc máy Olympus. Một phần vì mình cũng bắt đầu tìm hiểu về phong trào chụp ảnh film bằng hãng máy này, một phần cũng do thiết kế của dòng máy này cực kì bắt mắt và cuốn hút. Khi ấy mạng xã hội chưa phổ biến như bây giờ nên mình cũng chỉ bán trên những diễn đàn mạng và trên danh nghĩa cá nhân. Khách hàng quen thì cũng chỉ có vài người và cũng chủ yếu là bạn bè chứ cũng chưa nhiều người biết đến."

Tới khoảng năm 2012, mạng xã hội bắt đầu lan tỏa rộng rãi, mọi người có nhu cầu chụp và up ảnh lên mạng nhiều hơn, dẫn đến xu hướng thích tìm tòi nhiều cách khác nhau để trở nên nổi bật so với bạn bè, bằng cách tạo ra những bức ảnh độc và lạ. Điều này góp phần trở thành đòn bẩy giúp máy film bắt đầu được để ý đến nhiều hơn.

Cộng thêm hiệu ứng từ nhiều celeb (người nổi tiếng) chọn máy ảnh film làm đạo cụ để diễn MV, chụp lookbook, cư dân mạng ngày một trở nên hứng thú. Họ tìm hiểu nhiều hơn về thế hệ máy ảnh tưởng như sẽ chỉ tồn tại trong ký ức hay những bộ sưu tập, viện bảo tàng.

Phong trào chơi máy ảnh film giữa kỷ nguyên 4.0: Màn comeback bất ngờ của những giá trị ngược dòng thời đại - Ảnh 3.

Chiếc máy Olympus OM-1, một trong những chiếc máy đầu tiên của anh Bắc đem bán khi mới bước vào công việc. Bức ảnh được chụp tại Nhật Bản.

Khác với cảm giác tiện nghi của máy ảnh số, việc cầm trên tay chiếc máy ảnh film đòi hỏi những trải nghiệm và cả kiến thức ít khi xuất hiện trong cuộc sống hiện đại. Sự độc lạ này đã khơi dậy cái tò mò, đặc biệt là ở giới trẻ, muốn tìm kiếm một sự phá cách, làm mới bản thân và cả những tác phẩm ảnh chụp của chính mình.

Không chỉ thế hệ trẻ, ngay cả các chú bác lớn tuổi hơn cũng có chung suy nghĩ và nhu cầu tham gia phong trào sử dụng máy ảnh film. Họ mong muốn có lại được cảm giác hoài niệm của thời thơ ấu, khi những bức ảnh tập thể gia đình được sinh ra chính từ những chiếc máy ảnh cơ học, không pin, không điện, không tiện ích. Hoặc bởi ngày xưa, máy ảnh film vẫn còn quá đắt để đủ tiền sở hữu, còn nay đã trở nên phải chăng, dễ dãi với túi tiền mỗi người.

"Sự nổi trội và phổ thông của máy ảnh số và cả ảnh chụp smartphone đã đôi phần làm mất đi cảm xúc gắn liền với khoảnh khắc chụp ra được từng bức ảnh. Mọi người chụp nhiều hơn, chụp nhanh hơn và cũng xóa nhiều hơn. Khi mọi người bắt đầu biết đến và cầm lại những chiếc máy ảnh film, cảm xúc mang lại khi ấy thay đổi hoàn toàn, bởi chúng đòi hỏi sự tính toán của từng động tác đo khẩu, đo tốc, đo sáng, lấy nét, không có sự can thiệp của phần mềm. Chính điều này đã cho họ cảm giác chinh phục khi chụp ảnh và đó cũng là điều đặc biệt tạo nên trải nghiệm gắn liền với máy ảnh film."

Phong trào chơi máy ảnh film giữa kỷ nguyên 4.0: Màn comeback bất ngờ của những giá trị ngược dòng thời đại - Ảnh 4.

Một góc cửa hàng máy film của anh Bắc.

Đi vào nghề ảnh cùng thời điểm với anh Bắc là anh Khánh, hay người được biết đến với nghệ danh Mạc Kỳ Như. Không chỉ chỉ dừng lại ở công việc chỉ đi bán các loại máy ảnh, anh Khánh đã trở thành một thợ ảnh chuyên nghiệp với studio ảnh cưới Green Wedding Studio.

Năm 2004, khi mới đang học lớp 9, anh Khánh đã bán một chiếc xe máy để đổi lấy tiền mua chiếc máy ảnh Canon AE-1, và chính quyết định khác người này đã giúp anh tạo nên một phong cách studio ảnh cưới khác biệt với nhiều nơi khác trên thị trường: Nhận chụp ảnh cưới bằng ảnh film giữa thời đại kỹ thuật số.

Phong trào chơi máy ảnh film giữa kỷ nguyên 4.0: Màn comeback bất ngờ của những giá trị ngược dòng thời đại - Ảnh 5.

Khi mới sở hữu chiếc máy ảnh đầu tiên, anh Khánh chủ yếu chụp chơi cùng bạn bè, dần dần hình thành sở thích và đam mê bản thân cùng năng khiếu cảm nhận nhiếp ảnh. Đến khi tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa, anh đã sử dụng kinh nghiệm đó để định hướng bản thân theo nghề ảnh, mở cửa tiệm của riêng mình thay vì làm công việc văn phòng nhàm chán thời bấy giờ.

"Ban đầu mình chụp chủ yếu bằng máy ảnh số làm dịch vụ, rồi dần vì thích nên cũng cầm cả máy film đi chụp và giới thiệu thêm cho khách. Chứng kiến tông màu lạ lẫm cùng chất liệu ảnh khác biệt của ảnh film, rất nhiều khách hàng đã tò mò và thích thú với phong cách này, từ đó dịch vụ chụp film ở studio mình được ưa chuộng hơn hẳn."

Sự trở lại của phong trào chụp film nhờ vào xu hướng ngày càng phổ biến của mạng xã hội đã giúp anh Khánh tiếp cận thêm nhiều người có chung nhu cầu, từ những bạn trẻ đam mê chất ảnh độc đáo, khác biệt cho đến những người khách thế hệ trước với mong muốn về một bộ ảnh đúng gu hoài cổ, mang đậm giá trị xưa cũ.

"Đối với mình, việc chụp film mang lại nhiều cảm xúc hơn là chụp bằng máy số. Có thể kể đến sự khác nhau về màu sắc, độ tương phản mà mỗi cuộn film khác nhau mang lại, hay việc mỗi loại máy film đều có một tính chất, cách sử dụng và cho chất lượng ảnh khác nhau hoàn toàn."

Một số tác phẩm của ảnh Khánh và dịch vụ chụp ảnh film của mình.

Cửa tiệm ảnh film lão làng của Hà Nội

Nhắc đến những con người đã gắn liền với toàn bộ thời kỳ hoàng kim của ảnh film, dù hầu hết trong số họ đã từ bỏ đam mê và công việc liên quan nhưng vẫn còn đó một cái tên đặc biệt mà không ít người quen mặt.

Chú Hùng - người đàn ông với mái tóc chớm bạc trong một cửa tiệm nhỏ bé giữa phố Quang Trung - đã gắn bó với nghề bán và sửa chữa máy ảnh film/máy ảnh cơ ngót nghét 40 năm. Kể từ khi lên 6, chú đã bắt đầu biết cầm chiếc máy ảnh trên tay và chụp thành thạo. Để duy trì niềm đam mê cùng kinh nghiệm trong suốt những năm qua, chú đã trải qua nhiều chặng đường bươn chải, thậm chí đánh đổi nhiều thứ trong cuộc sống.

"Ngày xưa khi nhiếp ảnh còn là thứ xa xỉ, mình có được chút hiểu biết và kinh nghiệm nó đặc biệt lắm. Khi nào ở trường lớp có sự kiện gì, thầy cô và bạn bè lúc nào cũng nhờ chú chụp hộ vài tấm vì chú là đứa duy nhất biết chụp ảnh trong lớp, cộng thêm với việc ở nhà bố chú làm xưởng film. Mặc dù thời đó khó khăn nên từng tấm film nó đáng giá và cũng xót lắm, nhưng công việc đó vẫn đem lại cho chú rất nhiều niềm vui."

Dù ảnh film đã trải qua giai đoạn suýt bị lãng quên, nhưng phong trào gần đây đang dần trở lại cùng sự hào hứng tìm hiểu của thế hệ trẻ cũng đã đem lại phần nào thêm nhiều cơ hội tiếp tục làm nghề của chú.

"Chú nghĩ việc máy film dần phổ biến trở lại cũng dễ hiểu thôi. Đó là bởi nhiều bạn đã chán sử dụng 'tư duy của máy' khi chụp hình và muốn chụp mọi thứ bằng tư duy của bản thân. Khi chụp ảnh trên máy số hay điện thoại, công nghệ đã 'tư duy' hết, từ tốc độ chụp, khẩu độ, đo sáng, và thậm chí cả tư duy về màu sắc. Việc này đã áp đặt lên người chụp một phương pháp cố định, nhưng khi chụp trên film thì mọi thứ khác hoàn toàn," chú Hùng chia sẻ.

"Chúng ta có thể chủ động lấy thừa sáng tạo nên những hiệu ứng độc đáo từ việc tự đo khẩu độ và tốc độ. Ngoài ra mỗi loại film ta chọn sẽ đem lại một màu sắc khác nhau, tạo nên một thể giới mở cho người chụp khám phá. Nhiều khi sự may rủi bằng việc tự 'tự chụp' có thể đem lại những luồng ánh sáng độc đáo mà nếu ta chụp tự động theo 'tư duy' của máy sẽ không thể lấy được."

Phong trào chơi máy ảnh film giữa kỷ nguyên 4.0: Màn comeback bất ngờ của những giá trị ngược dòng thời đại - Ảnh 7.

Chú Hùng bên công việc sửa chữa máy ảnh film, nghề đã theo chú suốt 40 năm qua.

Chú cũng giống như Khánh, Bắc, hay bất cứ những người nào còn chơi ảnh film, họ là những con người có cá tính và ưa thích sự lãng mạn. Dù những chiếc máy film bóng loáng kim loại xuất hiện giữa thời kì 4.0 có thể khiến người ta ngỡ như đang sống nhầm thời điểm, nhưng cảm xúc và sự lãng mạn của những chiếc máy ấy vẫn là thứ trải nghiệm khó có thể thay thế và trôi vào quên lãng.

Dần dần, khi giới trẻ càng trở nên hứng thú hơn bởi sự tò mò, muốn được khám phá cảm giác hoài niệm mà chỉ những bậc cha chú mới biết, tần suất phổ biến của những chiếc máy film trong thời đại số sẽ xuất hiện ngày một nhiều. Mang theo tuổi đời vài chục năm, việc những chiếc máy ảnh film tồn tại tới ngày nay cũng là cả một kỳ tích, là minh chứng rõ rệt cho giá trị về cả vật chất (độ bền) và tinh thần của chúng.

Dù chỉ cháy lên phút huy hoàng rồi chìm sâu vào sự quên lãng sau chừng ấy thời gian, dù phong trào ảnh film chỉ nổi lên tạm thời hay sẽ tồn tại cho đến khi chiếc máy cuối cùng ngưng hoạt động, những cảm xúc đặc biệt vẫn sẽ còn đọng lại mãi trên từng tấm film, từng bức ảnh, từng ký ức của những con người gắn bó với chúng.