"Quái vật" Tiên Nữ sắp va chạm chúng ta từng nuốt thiên hà khác?

Một thứ có hình dạng rất bí ẩn ở trung tâm của Andromeda - thiên hà "Tiên Nữ", hàng xóm của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way, vừa được giải mã.

Đó là một cụm sao kỳ dị nằm ở trung tâm của Tiên Nữ và trở thành câu đố cho giới thiên văn nhiều năm qua. Thông thường ở trung tâm một thiên hà sẽ xuất hiện cụm sao đối xứng, nhưng cụm sao của Tiên Nữ hoàn toàn méo mó, giống như bị một thứ gì đó đập vào làm biến dạng.

Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Tatsuya Akiba từ Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ) đã kết luận rằng đó là dấu hiệu của sự hợp nhất của 2 lỗ đen siêu khối đều từng là lỗ đen trung tâm của thiên hà.

Để chứng minh điều này, các tác giả đã chạy mô phỏng máy tính về các vụ va chạm lỗ đen siêu lớn và nhận thấy lực tạo ra đủ để kéo quỹ đạo của các ngôi sao gần trung tâm thiên hà thành một hình bầu dục kéo dài, như những gì đã thấy trong thiên hà Tiên Nữ.

Nguyên nhân Tiên Nữ có tới 2 lỗ đen trung tâm là vì nó từng nuốt một thiên hà khác. Khi thiên hà va chạm và hợp nhất, 2 lỗ đen trung tâm sẽ quay quanh nhau, tăng tốc độ trước khi đập vào nhau trong một sự kiện khủng khiếp rồi hợp nhất. Hiện nay Tiên Nữ chỉ còn một lỗ đen duy nhất bởi vụ hợp nhất đã hoàn tất và để lại tàn tích là cụm sao kỳ lạ.

Vụ hợp nhất lỗ đen sẽ không gây hủy diệt các ngôi sao của thiên hà, nhưng tạo ra luồng năng lượng cực mạnh đủ để ảnh hưởng đến vị trí của các ngôi sao.

Đây là một phát hiện thú vị bởi Tiên Nữ được dự báo sẽ va chạm với Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta trong 2 tỉ năm tới. Đó sẽ là một cuộc đối đầu khốc liệt bởi cả 2 thiên hà đều to lớn, thuộc dạng "quái vật" trong vũ trụ. Một nghiên cứu vào năm ngoái tiết lộ để đạt được kích thước khủng khiếp như ngày nay, thiên hà chứa Trái Đất đã nuốt chửng khoảng 16 thiên hà khác.

Vụ va chạm giữa Tiên Nữ và thiên hà của chúng ta được cho là không làm phá hủy Trái Đất, nhưng có thể gây tuyệt chủng bởi tạo ra một lực đủ làm xô lệch hệ Mặt Trời, hất Trái Đất khỏi "vùng sự sống" hiện tại.