"Quái vật" vũ trụ vượt thời gian 13,4 tỉ năm, tỏa sáng tới Trái Đất

Các nhà khoa học đã xác định được vật thể có tuổi đời lớn nhất từng được biết đến trong vũ trụ, là một thiên hà cách Trái Đất 13,4 tỉ năm ánh sáng.

Vượt thời gian và không gian, hình ảnh của thiên hà bí ẩn, khổng lồ từ 13,4 tỉ năm về trước đã lọt vào các ống kính thiên văn của người Trái Đất. Theo bài công bố trên Nature Astronomy, vật thể này được sinh ra chỉ vài trăm triệu năm sau khi vũ trụ ra đời. Theo các nghiên cứu mới nhất, vũ trụ của chúng ta khoảng 13,8 tỉ tuổi.

"Quái vật" vũ trụ vượt thời gian 13,4 tỉ năm, tỏa sáng tới Trái Đất - 1

Theo Space, thiên hà được đặt tên là GN-z11, công phát hiện thuộc về một nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu bởi Tiến sĩ Linhua Jiang từ Viện Thiên văn và Vật lý thiên văn Kavli (Trung Quốc) và giáo sư Nobunari Kashikawa từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), với sự cộng tác của nhiều đơn vị nghiên cứu khác như Đài quan sát Viện khoa học Carnegie, Đài quan sát Steward (Mỹ), Đài quan sát Geneva (Thụy Sĩ), Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc)...

Như vậy, thiên hà này thuộc về "thời kỳ hắc ám" của vũ trụ, bắt đầu từ 370 nghìn năm sau khi vũ trụ ra đời và kéo dài khoảng 1 tỉ năm.

Do thiên hà cách chúng ta 13,4 tỉ năm ánh sáng, nên ánh sáng từ vật thể này đã mất tận 13,4 tỉ năm để truyền tới Trái Đất! Điều này đồng nghĩa với việc hình ảnh chúng ta nhìn thấy là chân dung trong quá khứ của thiên hà. Rất có thể này nó đã thay đổi, bị sáp nhập hoặc phá hủy.

Theo Science Alert, Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA từng nhìn thấy được "bóng ma" của thiên hà này nhiều lần, một cách mờ nhạt khi ánh sáng của nó vừa chạm tới Trái Đất. Tuy nhiên việc xác định rõ ràng nó chỉ bắt đầu khi công cụ đo các vạch phát xạ MOSFIRE gắn trên Kính viễn vọng Keck I ở Hawaii (Mỹ) được sử dụng.

Với tuổi đời của mình, GN-z11 là thiên hà xa nhất từng được quan sát, và cũng là vật thể lâu đời nhất trong vũ trụ mà người Trái Đất xác định được.