Quy định sắp bắt buộc với hàng chục triệu ô tô, xe máy: Hà Nội, TP.HCM áp dụng sớm 1 năm

Đây là thời điểm quan trọng trong lĩnh vực quản lý ô tô, xe máy.

Hai dự thảo quy định về tiêu chuẩn và kiểm định khí thải, một cho xe ô tô lưu hành, một cho xe máy hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ chính thức ban hành ngay trong năm nay.

Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ thiết lập một hệ thống phân loại khí thải ô tô thành 5 mức, từ mức 1 (thấp nhất) đến mức 5 (cao nhất). Hà Nội và TP.HCM sẽ đi đầu trong việc siết chặt tiêu chuẩn: từ năm 2027, các xe ô tô đăng ký tại hai thành phố này sẽ phải đạt mức khí thải 5, sớm hơn một năm so với các tỉnh thành khác. Các xe sản xuất từ năm 2022 sẽ phải đạt mức 4 từ 2026, còn xe sản xuất trước năm 1999 chỉ cần đạt mức 1. 

Với xe máy, lộ trình được thiết kế theo ba giai đoạn: từ 1/1/2027 áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM, từ 2028 mở rộng sang Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế, và từ 2030 triển khai trên cả nước. Việc kiểm định khí thải xe máy, nếu được thực thi theo tiến độ này, sẽ tác động đến hơn 75 triệu xe đang lưu hành, trong đó một lượng không nhỏ là xe sử dụng động cơ xăng cũ kỹ, không đạt chuẩn phát thải.  

Quy định sắp bắt buộc với hàng chục triệu ô tô, xe máy: Hà Nội, TP.HCM áp dụng sớm 1 năm- Ảnh 1.

Chú thích ảnh

Hiện tại bộ tiêu chuẩn khí thải phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng nhất chính là EURO, do Liên minh Châu Âu khởi xướng từ năm 1992. Mỗi cấp độ EURO (từ EURO 1 đến EURO 6d hiện nay) là một lần siết chặt giới hạn phát thải của các khí độc hại như NOx (nitơ oxit), HC (hydrocarbon), CO (carbon monoxide) và PM (bụi mịn). Ví dụ, tiêu chuẩn EURO 6 giới hạn NOx chỉ còn 0,08g/km với xe diesel, một mức cực kỳ khắt khe so với các thế hệ trước.

Hệ thống tiêu chuẩn khí thải EURO với các loại ô tô
Tiêu chuẩn
Năm áp dụng
(xe con)
CO (xăng)
(g/km)
HC (xăng)
(g/km)
NOx (xăng)
(g/km)
HC+NOx (diesel)
(g/km)
NOx (diesel)
(g/km)
PM (diesel)
(g/km)
Riêng xe tải nặng
(g/kWh)
Ghi chú
EURO 1 1992 2.72 0.97   0.97     - Áp dụng sơ khởi
EURO 2 1996 2.2 0.5   0.7     - Giảm nhẹ
EURO 3 2000 2.3 0.2 0.15 0.56 0.5 0.05 Euro III: 5.0 NOx Tách NOx riêng
EURO 4 2005 1 0.1 0.08 0.3 0.25 0.025 Euro IV: 3.5 NOx Bắt đầu kiểm soát PM
EURO 5 2009 1 0.1 0.06 0.23 0.18 0.005 Euro V: 2.0 NOx Siết mạnh NOx, có PM
EURO 6 2014 1 0.1 0.06 0.17 0.08 0.005 Euro VI: 0.4 NOx Thêm RDE thử nghiệm
EURO 6d 2021 1 0.1 0.06 0.17 0.08 0.005 Euro VI-d: 0.4 NOx RDE bắt buộc, nghiêm nhất

Việt Nam hiện nay đang dựa trên bộ tiêu chuẩn này. Cụ thể, từ năm 2017, ô tô sản xuất mới phải đạt tối thiểu EURO 4, và từ năm 2022, xe chạy dầu diesel buộc đạt EURO 5. Với xe máy, chuẩn khí thải EURO 3 đã được áp dụng từ năm 2017. Tuy nhiên, các xe đang lưu hành, đặc biệt là xe máy cũ, gần như chưa bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu cầu kiểm định khí thải nào. Điều này khiến khối lượng khí thải thực tế trong môi trường đô thị vẫn ở mức rất đáng lo ngại.

Hệ thống tiêu chuẩn EURO đối với xe máy
Tiêu chuẩn Năm áp dụng Đối tượng Ghi chú
EURO 1 1999 Xe máy, xe gắn máy Áp dụng đầu tiên
EURO 2 2003 Xe dưới 50cc và trên 50cc Giảm mạnh HC và CO
EURO 3 2006 Xe máy mọi phân khối Bắt đầu kiểm soát NOx
EURO 4 2016 Xe mô tô mới đăng ký Siết CO, HC, NOx, bổ sung kiểm tra bay hơi (EVAP)
EURO 5 2020–2021 Áp dụng toàn diện Rất khắt khe, gần ngang với ô tô EURO 6
Tại Việt Nam 
* EURO 2 cho xe máy được áp dụng từ 2007
* EURO 3 cho xe máy được áp dụng từ 1/1/2017 cho xe sản xuất mới

 Tuy nhiên, thực tế chưa có kiểm định khí thải với xe máy đang lưu hành, điều đang được khắc phục qua quy định mới dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2027 (tại Hà Nội, TP.HCM)

Trong bối cảnh chất lượng không khí tại các thành phố lớn thường xuyên ở mức báo động đỏ, việc đưa ra chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn đòi hỏi những quyết định mang tính đột phá, khoa học và nhân văn. 

Không chỉ giúp cải thiện chất lượng môi trường sống và sức khỏe cộng đồng, quy định mới còn là động lực để đổi mới công nghệ, phát triển phương tiện sạch, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững. Những người đang sử dụng xe máy xăng cũ sẽ có cơ hội chuyển đổi sang xe điện với sự hỗ trợ kỹ thuật, chính sách và tài chính từ Nhà nước.

Thách thức chắc chắn không nhỏ, từ hạ tầng kiểm định, nhiên liệu sạch đến khả năng giám sát thực thi. Nhưng nếu chính sách này đi vào cuộc sống một cách nghiêm túc và hiệu quả, hàng triệu người dân Việt Nam sẽ được thở trong một bầu không khí trong lành hơn, điều tưởng như đơn giản, nhưng vẫn đang là thứ "xa xỉ" ở các đô thị.