Review chiếc Dell G7 7500: CPU dòng G liệu có tốt?

Review chiếc Dell G7 7500: CPU dòng G liệu có tốt?

Sử dụng những chất liệu vốn có; nhưng Dell đã tạo ra một trải nghiệm mới mẻ với series G7 nói riêng và Dell Gaming G nói chung.

Dù đã có thời điểm được điểm mặt không ít trên thị trường, Dell Gaming G trong những năm gần đây lại tỏ ra lép vế trước nhiều đối thủ sừng sỏ như Nitro, Strix G hay TUF. Được tạo ra với vai trò nối bước thành công của Inspirion 7000 trên mặt trận gaming, thế nhưng những gì dòng G để lại gần như chỉ là nỗi thất vọng với nhiều yếu điểm về thiết kế, nhiệt độ, v.v… Chúng khiến Dell G từ một dòng máy gaming tiềm năng, nay gần như chỉ còn lại tên trước những hậu bối luôn cố gắng từng ngày để theo kịp xu thế. 

Nhưng khi trên tay chiếc Dell G7 7500, cảm giác tiêu cực phía trên của mình đã phần nào được xua tan dần. Dù những sự thay đổi của nó suy cho cùng cũng không quá mới mẻ, nhưng ít nhất Dell cũng đã hành động để khiến dòng máy trở nên hấp dẫn hơn. Hay như mình đang nghĩ, dòng G nay đã thực sự “Good”?  

Dáng dấp khá mới mẻ

Trước khi được tận mắt nhìn thấy Dell Gaming G7 7500, mình nghĩ rằng thiết kế của nó vẫn sẽ như thường lệ: To nạc, nặng nề và kém hấp dẫn. Nhưng đến khi được trên tay, sản phẩm này đã cho mình một bất ngờ không nhỏ. Với kiểu dáng chuẩn "ngoài hành tinh" của Dell Alienware M15 R2, trông G7 7500 đã tương lai hơn nhiều so với ngoại hình "copy-paste" của năm trước. Có lẽ cũng lâu lắm rồi, mình mới lại có ấn tượng tốt sớm đến vậy với một sản phẩm từ series Dell Gaming G. 

Tuy vậy, G7 7500 vẫn khác "tiền bối" M15 R2 ở một số chi tiết: Khe nhiệt không được làm tổ ong, logo không phát sáng, hay phần LED RGB của máy sẽ chạy ở đáy thay vì sau lưng. Sự bổ sung dải LED sẽ khiến cho vẻ gaming ở mặt trước được thêm thắt đáng kể, phù hợp với những anh em nào thích sự hầm hố. Cá nhân mình thì thích nó về phía sau hơn, vì khi sử dụng máy mình thường muốn tập trung nhất có thể. 

Bề mặt nhôm của máy cũng là một điểm khiến mình hài lòng. Cảm giác sờ mát lạnh, hơi sần,... với mình vẫn là ổn hơn phủ nhung trên M15 R2 hay M15 R3. Nhưng cũng vì làm toàn bộ bằng nhôm nên khi va chạm, phần vỏ của G7 7500 sẽ dễ móp méo hơn nhôm + magie của dòng Alienware. Logo Dell sẽ không có phát sáng; nhưng nó có thể đổi màu tùy theo góc nhìn, vậy cũng là đủ đẹp với mình rồi.

Ngoài ra, phần chiếu nghỉ mặt C cũng đã được làm bằng nhôm thay vì nhựa như bàn 2019. Đây cũng là một điểm mình rất thích vì trông máy sẽ đồng bộ hơn; gõ phím đặt tay cảm giác cũng được cải thiện nhiều, không bám nhiều mồ hôi hay dấu vân tay như trước.  

Bản lề của G7 2020 nay đã được chuyển thành dạng giữa giống M15 R2. Thậm chí nó còn có thiết kế xếp lại để nhường chỗ cho màn hình khi mở máy, trông khá hiện đại. Nhưng về độ chắc chắn thì mình lại chưa ưng; với cảm giác mở chưa được đầm và hiện tượng rung màn vẫn xuất hiện khi gõ phím hăng một chút. Có lẽ do bản lề giữa này cũng khá ngắn, ít nhất nếu so với những gì thấy được trên nguyên mẫu M15 R2. 

Màn hình chất lượng, chuẩn chỉ hơn về trải nghiệm 

Với màn hình của G7 2020, trước hết là mình thích việc viền nó đã thực sự mỏng đi. Nhờ vậy mà mình đã có thể có không gian trải nghiệm thực sự rộng rãi, thay vì hơi "hẫng" như khi dùng G7 đời cũ nữa. Độ mỏng của viền vẫn sẽ đủ để Dell đặt một cụm webcam bên trên, đáng tiếc là không đi kèm cảm biến Windows Hello. 

Còn về chất lượng, Dell G7 2020 vẫn được trang bị tấm nền IPS cùng bộ thông số màu lý tưởng. Sử dụng công cụ đo SpyderX Elite thì mình thu được kết quả khá ấn tượng: 99% sRGB, 74% AdobeRGB, 76% DCI-P3 cùng độ sai lệch màu DeltaE 1,26. Màn hình của máy nhìn chung sẽ là đủ tốt với hầu hết các loại tác vụ, ngay cả khi bạn cần sử dụng để làm các công việc cần sự chính xác về  màu sắc (Chỉnh sửa ảnh, làm màu video,...). Độ sáng của màn hình này cũng thuộc dạng tốt (353 nits), mình có thử đem máy ra cafe ngoài trời ngồi làm việc thì vẫn là khá thoải mái. 

Ngoài ra, màn hình trên phiên bản mình đang có cũng sở hữu tần số quét lên đến 144Hz - rất phù hợp cho anh em game thủ hay tryhard các game như đua xe, bắn súng góc nhìn thứ nhất,... Tác dụng cụ thể của tần số quét cao ra sao thì có lẽ mình cũng không cần nhắc lại quá nhiều nữa rồi. 

Bàn phím cũ, trải nghiệm mới 

Về phần phím, Dell G7 7500 sử dụng nguyên cụm phím giống các sản phẩm XPS, với bề mặt phím phủ mềm và layout lớn do máy đã bỏ hàng phím số. Đây đều là những điểm khiến mình hài lòng hơn hẳn so với khi sử dụng cụm phím cũ của Dell G7 2019 - vốn chưa cho được cảm giác thoải mái cần thiết so với G3 hay G5 cùng đời. Khi gõ phím; âm thanh phát ra cũng không còn bị quá “nhựa” rẻ tiền, nhưng hành trình phím lại chưa sâu như mong đợi. Đó cũng là hạt sạn duy nhất mình thấy đến giờ sau một thời gian trải nghệm gõ phím của G7 7500. 

Ngoài ra, việc đưa phím quạt ra hẳn ngoài cũng khiến mình hài lòng. Mình giờ không phải lần mò tìm trong hàng phím F như trước nữa, tiết kiệm được đáng kể thời gian.  

Với phiên bản mình đang có, LED phím sẽ là LED RGB 4 vùng như trên tùy chọn cao cấp của G7 2019, hơi tiếc một chút khi không phải LED RGB từng phím. Độ sáng mình thấy vừa đủ, vẫn đủ để nổi trên nền khung phím đen như mình đang có. Kết hợp với phần LED đáy nữa thì lại càng đậm chất gaming, trông rất bắt mắt. 

Touchpad của phiên bản năm nay cũng được chuyển sang mặt kính, cho trải nghiệm vuốt chạm tốt hơn hẳn nhựa sần đời cũ. Driver đi kèm thì vẫn sẽ là Windows Precision để cung cấp độ chuẩn xác cần thiết. Thử nhấn sang hai bên thì cũng không có dấu hiệu ọp ẹp, khiến cho máy trở nên đáng tiền hơn nhiều. Vị trí cũng đã được chuyển qua giữa giống bàn phím, tạo nên một tổ hợp khá quen tay với người thường xuyên dùng touchpad như mình.  

Cấu hình vẫn đủ tốt, dù có phần lỗi mốt 

Về cấu hình, phiên bản G7 7500 mình đang có sẽ sử dụng CPU Intel Core i7-10750H 6 nhân 12 luồng, 16GB RAM DDR4 kênh kép, 512GB SSD NVMe cùng card đồ họa NVIDIA RTX 2060 6GB VRAM. Hơi đáng tiếc khi với G7 7500, chúng ta sẽ chỉ có tùy chọn cấu hình đến RTX 2070 - khả năng đây là chủ ý của Dell để tạo khoảng cách nhất định so với line-up Dell Alienware M15. Có thể ở thời điểm hiện tại, combo phần cứng này sẽ có phần lạc hậu nếu so với những Intel Tiger Lake, AMD Cezanne,... nhưng về hiệu năng thì mình nghĩ anh em vẫn có thể yên tâm trải nghiệm dù là về lâu dài. 

Mặc dù có nhiều khác biệt lớn về ngoại hình, nhưng màn thể hiện về hiệu năng của Dell G7 2020 thì vẫn có nhiều nét chung so với phiên bản trước. G7 7500 vẫn chú trọng vào việc “thả cửa” hiệu năng CPU và GPU, chấp nhận nhiệt độ cao để đổi lấy sự ổn định cùng đồ họa đẹp trong các tựa game nặng. Tuy vậy, mức nhiệt lần này của máy mình lại thấy ở mức ổn, với con số cho ra dao động trong khoảng 85-90 độ thay vì thường xuyên lên trên 90 như các phiên bản trước. Khi sử dụng quạt gió Turbo, nhiêt độ sẽ có hể giảm thêm khoảng 1-2 độ, nhưng độ ồn phát ra cũng là khá cao. 

CPU Core i7-10750H của G7 7500 vẫn mang những đặc trưng của Dell Gaming G: Sỡ hữu xung nhịp cao (4,5GHz tối đa, ổn định ở 4,3GHz) và ăn điện khủng (70W) khi chạy nặng. Về khả năng thực hiện các tác vụ cơ bản, mình cũng có sử dụng thêm PCMark10 để kiểm tra và thu lại được số điểm khá tích cực. 

Còn về card đồ họa RTX 2060, hiệu năng của nó vẫn là khá ấn tượng mặc dù là “em út” của dòng RTX về sức mạnh. 80W điện tiêu thụ vẫn là đủ để RTX 2060 cung cấp cho anh em mức khung hình tốt ở các tựa game AAA, với thiết lập đồ họa từ High / Ultra Settings tùy game. Cộng thêm việc sở hữu RT Core, tùy chọn này vẫn còn khá phù hợp với thời điểm hiện tại - thời điểm các tựa game mới đang có xu hướng hỗ trợ đầy đủ Ray Tracing và DLSS 2.0. Về nhiệt độ; RTX 2060 cũng cho ra con số tạm ổn, với ngưỡng cao nhất mình thấy khi thử nghiệm vào khoảng 75-80 độ. 

Bộ nhớ trong

Về bộ nhớ trong, Dell G7 7500 sẽ sử dụng SSD NVMe 512GB tới từ KIOXIA - một thương hiệu con của Toshiba. Dung lượng thì đã ở mức đủ, nhưng tốc độ truy xuất đáng tiếc lại chưa quá nhanh so với nhiều mẫu laptop gaming cùng phân khúc. Đáng chú ý là lần này, SSD của máy không còn gặp phải tình trạng quá nhiệt khi sử dụng, một điểm đã tồn tại từ lâu trên nhiều sản phẩm Gaming G trước có của Dell. 

Cổng kết nối đầy đủ sử dụng

Thường với các sản phẩm Dell Gaming, hệ thống cổng kết nối vẫn là một điểm mạnh đáng nói. Và với G7 7500 chúng ta cũng sẽ có được điều này với 3 cổng USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng USB-C hỗ trợ Thunderbolt 3, 1 cổng HDMI 2.0, 1 cổng miniDisplayPort 1.4, 1 khe thẻ SD và cổng LAN RJ-45. Với một người thường xuyên tham gia quay chụp sản phẩm như mình , việc vẫn giữ lại khe thẻ SD là một điểm mình cực kỳ thích ở sản phẩm. Và mình tin yếu tố này cũng sẽ giúp ích cho nhiều anh em khác, xét tới việc G7 7500 cũng là một sản phẩm rất tốt cho các tác vụ multimedia. 

Viên pin lớn hơn, thời lượng cao hơn

Với Dell G7 7500, chúng ta sẽ có một viên pin lên đến 86Wh - lớn hơn đáng kể so với phiên bản G7 7590 của năm ngoái với 60Wh. Với độ sáng 50%, mình có thể sử dụng khoảng 4,5 - 5h với các tác vụ cơ bản, một thời lượng khá ổn xét trên khía cạnh laptop gaming.