Nghiên cứu vừa công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society đã tìm ra Kraken, "người mẹ ma" của các vật thể thuộc Milky Way ngày nay.
Milky Way, tức thiên hà chứa Trái Đất, từ lâu được biết đến là một thiên hà xoắn ốc vô cùng to lớn, kẻ đã luôn giành chiến thắng trong các vụ va chạm thiên hà suốt 12 năm tuổi đời. Kích thước của nó vô cùng khổng lồ, thậm chí một nghiên cứu trước đây còn cho thấy ngoài chiếc đĩa ánh sáng đo đạc được, cơ thể của thiên hà này còn gồm một quầng vật chất vô hình rộng hơn gấp nhiều lần so với tưởng tượng.
Trong nghiên cứu mới, tiến sĩ Diederik Krujissen từ Đại học Heideberg (Đức) cho biết thiên hà mang tên Karken đã hợp nhất với Milky Way cách đây 11 tỉ năm và đã đóng góp một số lượng sao khổng lồ cho thiên hà của chúng ta.
Khi đó, Milky Way chỉ bằng 1/4 kích thước hiện tại, nhưng đã đủ to lớn và nguy hiểm. Nó đã nuốt chửng Kraken để rồi phình to thêm. Dấu vết về thiên hà xấu số đã được tìm thấy qua việc phân tích những cụm sao cầu kỳ lạ, dày đặc với khoảng 1 triệu ngôi sao co cụm lại. Khắp thiên hà có khoảng 150 cụm như vậy, mà các nhà khoa học tin rằng chính là những mảnh "hóa thạch" của các thiên hà bị nuốt chửng.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các tác giả đã tạo ra thuật toán đặc biệt để xác định thuộc tính chung của các cụm sao cầu, tính toán sự hình thành, tiến hóa và phát triển của các cụm này sau khi thiên hà mẹ của chúng bị va chạm. AI này sử dụng dữ liệu từ tàu thăm dò không gian Gaia, đang làm nhiệm vụ vẽ bản đồ Milky Way. Thành phần hóa học, tuổi và chuyện động của các cụm sao cầu "hóa thạch" đã tiết lộ chủ nhân của chúng - bao gồm Kraken và ít nhất 15 thiên hà khác từng bị nuốt chửng, trong đó Kraken là bữa ăn đầu tiên.
Nghiên cứu giúp hiểu thêm về lịch sử thiên hà cũng như dự đoán các sự kiện tương lai. Ước tính khoảng 2 tỉ năm nữa, thiên hà chứa Trái Đất sẽ có vụ va chạm với một kỳ phùng địch thủ thực sự: thiên hà Tiên Nữ (Andromera). Vụ va chạm này chưa rõ ai sẽ giành phần thắng, nhưng được cho là có nguy cơ đẩy bật Trái Đất khỏi "vùng sự sống" của Hệ Mặt Trời.