Vào tháng 02 năm nay, Samsung đã giới thiệu dòng smartphone cao cấp Galaxy S20, bao gồm: Galaxy S20; Galaxy S20+ và Galaxy S20 Ultra. Trong đó, phiên bản Galaxy S20 có giá bán thấp nhất. Nhưng sau nửa năm, mọi thứ đã thay đổi, có quá nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn, khiến nhiều người đắn đo khi chọn mua Galaxy S20.
Cùng phân tích những điểm mạnh và yếu của chiếc smartphone này để tự đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất khi chọn lựa.
1. Thiết kế và màn hình
Nếu so sánh về thiết kế, Galaxy S20 khá giống với Galaxy Note 10 với màn hình “đục lỗ” tích hợp máy quét dấu vân tay, viền màn hình mỏng nhưng có kích cỡ nhỏ hơn – 6,2 inch, các cạnh bo tròn mềm mại hơn và không có bút S Pen đi kèm. Xét về độ tinh tế, Galaxy S20 vẫn hơn hẳn nhiều smartphone cận cao cấp hiện tại với mặt lưng kính cường lực Gorilla Glass 6 và khung kim loại bền vững.
Ưu điểm của máy là kích cỡ nhỏ gọn trong tầm tay, không quá cồng kềnh nhưng vẫn toát lên độ thanh lịch nhất định, tốc độ làm mới màn hình nhanh – 120Hz (chức năng mà nhiều thiết bị khác cùng tầm giá không có). Cùng với nhiều tùy chọn màu nhẹ nhàng, đây có lẽ là lựa chọn hợp lý cho nhiều chị em có bàn tay nhỏ hoặc thích sử dụng những thiết bị nhỏ gọn.
2. Sức mạnh xử lý
Tại Việt Nam, Galaxy S20 (128GB) được tích hợp chip xử lý Exynos 990; RAM 8GB, cấu hình này đủ sức xử lý tốt mọi nhiệm vụ nặng nề: chơi game, sử dụng ứng dụng và lưu trữ vô số hình ảnh với khả năng mở rộng qua khe cắm thẻ micro SD. Tuy mạnh mẽ nhưng nếu so với các sản phẩm cùng tầm giá, Galaxy S20 vẫn kém hơn một chút so với iPhone XS và thua xa iPhone 11. Vì thế, nếu thích những chiếc smartphone có khả năng xử lý mạnh mẽ hơn, người dùng nên cân nhắc trước khi mua Galaxy S20.
3. Camera có đủ “chất” không?
Thiết lập camera sau của Galaxy S20 được đánh giá ở mức khá, mặc dù không đẳng cấp bằng Galaxy S20 Ultra nhưng vẫn đủ “xịn” để mang tới trải nghiệm hình ảnh cao cấp: camera chính 12MP; camera tele 64MP; camera góc rộng 12MP.
Ngoài các khả năng chụp ảnh cơ bản như ảnh chân dung, ảnh góc rộng, chụp thiếu sáng Bright Night, cụm camera này còn mang tới tính năng chụp ảnh zoom kỹ thuật số 30x, quay video 8K giống như hai phiên bản Galaxy S “anh em”. Đồng thời, thiết bị cũng có tính năng Single Take - Một chạm, chụp và quay nhanh video đồng thời.
4. Dung lượng pin và sạc nhanh
Điều đáng mừng là dung lượng pin của Galaxy S20 – 4000 mAh còn lớn hơn cả Galaxy Note 10 (pin 3500 mAh) nên nhìn chung tuổi thọ pin cũng khá thoải mái, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng cả ngày dài. Tất nhiên, nếu kích hoạt tốc độ làm mới màn hình lên 120Hz thì thời lượng sẽ giảm xuống nhanh hơn.
Về khả năng sạc pin, điện thoại chỉ được tích hợp khả năng sạc 25W, sạc không dây 15W hay sạc ngược 9W. Tốc độ này dù không nhanh bằng sạc 45W của Galaxy Note 20 Ultra hay Galaxy Note 10+ nhưng cũng nhanh hơn khá nhiều smartphone cao cấp khác (ví dụ iPhone 11 hay iPhone 11 Pro), giúp rút ngắn thời gian chờ đợi và duy trì trải nghiệm liền mạch.
5. Giá bán vẫn quá cao
Sau khi dòng Galaxy Note 20 được bán ra, dòng Galaxy S20 nói chung đều bị hạ giá thê thảm. So với loạt Galaxy Note mới, thế hệ Galaxy S 2020 yếu thế hơn hẳn, mức giá 18,49 triệu đồng (bản 128GB) của Galaxy S20 thực tế vẫn còn khá cao với nhiều người dùng phổ thông. Cùng mức giá này, còn rất nhiều chiếc smartphone có cấu hình mạnh hơn, “ngon” hơn.
6. Tạm kết
Khách quan mà nói, mức giá của Galaxy S20 vẫn còn khá cao so với những gì mà nó mang lại. Trong khi đó, người dùng chỉ cần chi thêm vài triệu đồng là có thể sở hữu iPhone 11(64GB); iPhone XS (64GB) hay Galaxy Note 10+ (128GB) lý tưởng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu không thích sử dụng những thiết bị có kích cỡ lớn và mong muốn có trong tay chiếc smartphone đa tiện ích thì Galaxy S20 vẫn là một lựa chọn không tồi. Sức mạnh xử lý, độ tinh tế màn hình, camera mạnh mẽ là những ưu thế lớn của máy.