Theo 9to5Mac, như một bước ngoặt lớn, Apple tuyên bố sẽ cho phép cài đặt ứng dụng iOS thông qua các cửa hàng bên thứ ba bắt đầu từ iOS 17.4, đáp ứng đúng yêu cầu của Liên minh Châu Âu (EU) và hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi cho iPhone và ngành phát triển ứng dụng.
Thay đổi quan trọng này có hiệu lực đầu tiên cho người dùng iPhone tại khu vực EU, đáp ứng thời hạn tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act) của tổ chức này vào ngày 7/3/2024.
Cụ thể, iOS 17.4 sẽ mang đến:
- Bộ công cụ và API mới cho phép nhà phát triển phân phối ứng dụng qua các chợ ứng dụng bên thứ ba.
- Quy trình "Notarization" kiểm tra độ an toàn của ứng dụng.
- Phí "Core Technology Fee" giá 0,5 euro (tương đương 13.333 đồng) mỗi năm cho việc cài đặt ứng dụng bên thứ ba.
- Người dùng có thể tùy chỉnh danh sách chợ ứng dụng được phép, cài đặt chợ ứng dụng mặc định, xóa chợ ứng dụng, xóa ứng dụng từ chợ ứng dụng và quản lý cập nhật.
Và vấn đề được quan tâm nhất là những ứng dụng bên thứ ba đó liệu có đảm bảo an toàn? Câu trả lời nằm ở Notarization, Apple nhấn mạnh quy trình này sẽ kiểm tra các yếu tố sau:
- Tính chính xác: Ứng dụng phải thể hiện chính xác nhà phát triển, tính năng và chi phí đối với người dùng.
- Tính năng: Các tập tin nhị phân phải có thể xem xét, không có lỗi nghiêm trọng hoặc sự cố, tương thích với phiên bản iOS hiện tại và không ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng.
- Tính an toàn: Ứng dụng không được khuyến khích gây hại về thể chất cho người dùng hoặc cộng đồng.
- Tính bảo mật: Ứng dụng không được phép phân phối phần mềm độc hại, phần mềm đáng ngờ hay không mong muốn. Chúng không thể tải xuống mã thực thi, đọc dữ liệu bên ngoài container hoặc hướng dẫn người dùng giảm mức bảo mật trên hệ thống hoặc thiết bị. Ngoài ra, ứng dụng phải cung cấp tính minh bạch và cho phép người dùng đồng ý cho phép bất kỳ bên nào truy cập hệ thống, thiết bị hoặc cấu hình lại hệ thống hoặc phần mềm khác.
- Tính riêng tư: Ứng dụng không được thu thập hoặc truyền dữ liệu nhạy cảm riêng tư mà không có sự đồng ý của người dùng hoặc theo cách trái với mục đích của chúng.
Apple buộc phải mở cửa cho iPhone vì áp lực từ phía EU.
Đây là lần đầu tiên Apple mở cửa hệ sinh thái iPhone cho các chợ ứng dụng bên thứ ba, mang đến nhiều hứa hẹn và thách thức. Đầu tiên là tăng cường sự lựa chọn và quyền kiểm soát cho người dùng, thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới trong thị trường ứng dụng. Bên cạnh đó, nhà phát triển có thể phân phối ứng dụng qua nhiều kênh, giảm phụ thuộc vào App Store và phí hoa hồng đến 30% của Apple. Mặt khác, Apple vẫn duy trì vai trò kiểm soát, đảm bảo an toàn và chất lượng của ứng dụng thông qua quy trình Notarization và phí Core Technology Fee.
Việc Apple thực hiện thay đổi này tại EU trước tiên cũng cho thấy những áp lực và thách thức mà công ty đang phải đối mặt từ các quy định cạnh tranh, đặc biệt là tại thị trường lớn như Châu Âu. Liệu những thay đổi này có được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đáng chú ý là phản ứng của người dùng và các nhà phát triển ứng dụng.