Trong tập 10 của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank mùa 3, một startup công nghệ sản xuất xe máy điện chạy bằng pin lithium-ion đã đến kêu gọi 50.000 USD cho 0,5% cổ phần. Đây là đề tài đã khiến các “cá mập” bàn luận sôi nổi, trong đó có những shark đưa ra ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau như giữa shark Dzung Nguyễn và shark Bình.
Điểm điểm là hai lần shark Dzung Nguyễn phản bác quan điểm của shark Bình ngay trên sóng truyền hình, khiến ông chủ NextTech phải liếc sang nhìn. Trong tất cả các khoảnh khắc này, biểu cảm của shark Bình đều được máy quay của e-kíp sản xuất chương trình ghi lại hết sức chân thực.
Theo đó, sau phần trình bày của Cảnh Sơn - người đồng sáng lập startup, shark Bình đã thẳng thắn nói ngay: “Anh chẳng thấy em có cơ hội gì cả. Cụ thể là so với xe của ông lớn có mạng lưới phân phối luôn trên toàn quốc, giá rẻ hơn của em nhiều. Anh không cổ vũ xe máy chạy xăng nhưng với số tiền 39 triệu đồng, người dân có thể mua một chiếc xe máy chạy xăng rất đẹp và tiện ích hơn của em rất nhiều”.
Bảo vệ cho startup của mình, Cảnh Sơn so sánh: “Nhiều người khác làm xe điện nhưng thị trường người ta đang nhắm tới là xe quốc dân, còn xe của em nhắm tới tính cá nhân hóa của người sử dụng”.
Tiếp đó, shark Bình nói thêm: “Anh cảm thấy em đang vướng vào một sai lầm của startup, đó là làm ra một sản phẩm mà xã hội chưa chắc đã cần, hoặc có cũng được không có cũng được”.
Trước quan điểm chê bai startup của shark Bình, shark Dzung Nguyễn lên tiếng nói thẳng: “Anh thì không đồng ý với quan điểm của anh Bình”, khiến shark Bình phải liếc nhìn. “Bởi vì xu thế sẽ là xe điện. Nó tốt cho môi trường và nhu cầu có sẵn rồi”, shark Dzung Nguyễn nói.
“Đây là xu hướng nhưng người ta không mua xe của em đâu”, shark Bình nói với startup nhưng cũng đồng thời là lời tranh luận với shark Dzung Nguyễn.
“Câu chuyện người ta mua xe của em hay không thì hãy để thị trường trả lời, nhưng câu chuyện đâu là lý dop để họ mua xe của em. Giống như bên Mỹ họ vẫn mua những chiếc xe của Tesla chứ không phải các xe chạy xăng khác”, shark Dzung Nguyễn bật lại khiến shark Bình một lần nữa phải liếc nhìn.
Shark Dzung Nguyễn đã ít nhất hai lần phản bác quan điểm của shark Bình.
Dù có quan điểm trái ngược nhau khi bình luận về startup nói trên, nhưng cả shark Dzung và shark Bình lại đều chốt là không đầu tư. Riêng shark Bình rời ghế nóng xuống bắt tay startup và gửi gắm rằng: “Anh rất là quý em nên anh thành thật khuyên em không nên đi theo startup này. Thật sự bởi vì những cái gì em đang làm về mặt kinh doanh, về mặt thị trường hơi sai, nhầm thời điểm, nhầm sản phẩm, chưa nói đến định giá và tất cả mọi thứ”.
Shark Bình liên tục nêu ra những ý kiến không ủng hộ startup công nghệ của Cảnh Sơn.
Tương tự, shark Liên và shark Việt cũng không đầu tư cho startup này. Khi đã có 4/5 “cá mập” quay lưng, mọi hi vọng của startup đổ dồn vào shark Phạm Thanh Hưng. Hơn ai hết, đây chính là “vị cá mập” thích hợp nhất với lĩnh vực Cảnh Sơn đang theo đuổi, bởi nhà đầu tư này từng rót vốn 1 triệu vào startup pin thông minh MoPo tại Shark Tank mùa 2.
Chia sẻ đã tìm được hướng hỗ trợ startup nhưng vẫn lăn tăn mức định giá Cảnh Sơn đưa ra là quá chênh lệch, Shark Hưng đề nghị rót vốn 50.000 USD để được sở hữu 10% cổ phần. Tuy nhiên, Cảnh Sơn mạnh dạn thỏa thuận lại 50.000 USD chỉ cho 1% cổ phần với lý do khó cho startup kêu gọi vốn lần sau.
Cuộc kỳ kèo giá cả chỉ dừng lại khi startup và nhà đầu tư gặp nhau ở ngưỡng 60.000 USD cho 2% cổ phần, trong đó 1% là phí cố vấn mà theo cách nói ví von của shark Hưng là shark này “bán mình”.