Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 4, giảng viên đại học Nguyễn Thùy Liên đã giới thiệu Self Hiil - một học viện khám phá bản thân trực tuyến dành cho người trưởng thành với giải pháp giáo dục “học để hạnh phúc và học trong hạnh phúc”.
Nhà đồng sáng lập và điều hành Self Hiil Nguyễn Thùy Liên chia sẻ, khóa học này dành cho người lớn từ 18 - 40 tuổi, tập trung vào phân khúc phụ huynh có con từ 0 - 8 tuổi. Học viện được sáng lập với mong muốn “hỗ trợ phụ huynh để đạt được 2 mục tiêu: Chính bản thân phụ huynh được hạnh phúc và có năng lực huấn luyện cho con thành người trưởng thành và hạnh phúc.
Sau 6 tháng hoạt động từ tháng 9/2020, Self Hiil đã “online hóa” chương trình, có 25 khách hàng đầu tiên với những con số sau: Có 50% khách hàng đóng phí, trong 50% khách hàng đóng phí thì có 50% khách hàng sau khi học 1 khóa đã đăng ký hành trình 52 tuần; 38% khách hàng mới đến từ khách hàng cũ giới thiệu. Nhà đồng sáng lập Nguyễn Thùy Liên dự kiến đến năm thứ 5, Self Hiil có thể đạt được doanh thu lên đến 20 triệu USD/năm. Do đó, chị đã đến Shark Tank để kêu gọi 100.000 USD (hơn 2,3 tỉ đồng) đổi lấy 10% cổ phần.
Sau một phần trình bày về sản phẩm và các câu hỏi các các shark khác, Shark Bình xin chốt deal trước và nhận xét: “Sau khi nghe em nói và đọc website thì anh thấy là sản phẩm mù mờ, chưa rõ ràng, chưa hiểu, dù là khách hàng tiềm năng anh vẫn chưa thấy có nhu cầu để học sản phẩm của em, thậm chí chưa hiểu em dạy gì. Thứ hai, thị trường quá nhỏ dẫn đến việc educate (giáo dục) thị trường rất tốn kém, chưa kể giáo dục online ở Việt Nam là một dấu hỏi to tướng, phải rất mass (đại chúng) thì mới scale (mở rộng) được”.
Shark Liên là vị “cá mập” tiếp theo lên tiếng và từ chối đầu tư vì “hướng của em chưa rõ ràng, khách hàng của em quá bé”.
Shark Phú là "cá mập" tiềm năng có khả năng đồng hành cùng startup này.
Đồng quan điểm, shark Hưng cho rằng, giá trị của mô hình này không được định vị rõ ràng nên cần xem xét lại. Vì thế, shark Hưng không đầu tư và khuyên Thùy Liên: “Cái quan trọng nhất là bạn cần phải có một cộng đồng. Xây dựng cộng đồng, trao tặng giá trị. Đầu tiên bạn đã nghĩ đến chuyện kiếm tiền, giá trị mù mờ, cộng đồng nhỏ bé thì bạn sẽ thất bại”.
Nhận thấy vẫn còn nhiều điều chưa khai thác hết ở startup này, shark Hưng, shark Việt và shark Phú mong Thùy Liên hãy “dốc hết cả tâm can” để trình bày một lần nữa vì đây có thể là cơ hội cuối cùng tại Shark Tank.
Lúc này, Thùy Liên tâm sự, chị nhận thấy mình là một người tâm huyết với ngành giáo dục và 10 năm nay làm việc không hưởng lương, nhưng vẫn không từ bỏ. Và khi làm startup này, chị đã làm với tấm lòng của một người mẹ. Nhắc đến con, Thùy Liên có vẻ hơi xúc động và bật khóc.
Thùy Liên cũng tiết lộ, mình chuẩn bị… bán nhà để góp tiếp làm startup này, tổng chi phí hiện có của startup đạt khoảng 100.000 USD và sẽ chuẩn bị cho vòng gọi vốn 500.000 USD tiếp theo. Tuy nhiên, shark Việt cho rằng, chỉ cần chứng minh được hiệu quả thì sẽ không cần nghĩ đến vốn. Vì vậy, shark Việt đưa ra đề nghị 100.000 USD cho 50% cổ phần.
Sau shark Việt, shark Phú cũng đồng ý đầu tư với điều kiện cần cam kết cải tiến sản phẩm dịch vụ, chứng minh năng lực hoàn vốn, đồng thời shark Phú sẽ làm “chuột bạch” thử trải nghiệm sản phẩm này. Nếu shark không hài lòng, nghĩa là chương trình không đạt chất lượng và shark sẽ lấy lại khoản đầu tư. Theo đó, shark Phú đưa ra một con số tốt hơn: 100.000 USD cho 10% cổ phần. Shark Phú cũng nhận định: “Giả định phương án đấy hiệu quả thì nó sẽ có một tác dụng xã hội rất lớn và là một thị trường trong tương lai”.
Sau khi trao đổi với đồng sáng lập, Thùy Liên quay trở lại và đồng ý với đề nghị của shark Phú, đồng thời cam kết sẽ thế chấp nhà để hoàn vốn cho shark Phú nếu chẳng may thất bại, nhưng chị cũng hứa sẽ “cố gắng để chuyện đó không xảy ra”.