Trong tập 15 của Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa 3, khán giả đã được chứng kiến cơn mưa offer không ngừng nghĩ. Gặp đúng “con mồi” hợp vị là các nền tảng công nghệ, không khí “bể cá mập” trở nên nóng hơn bao giờ hết vì các màn tranh giành, chiêu thức lôi kéo startup về đội mình của nhà đầu tư.
Thương vụ nhận được con mưa offer và có màn thương thuyết kéo dài nhất tập này thuộc về màn gọi vốn của cặp đôi sáng lập Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng đến từ nền tảng Việc Có. Thể hiện thái độ "biết người biết ta" và chủ động đưa ra những mong muốn hợp tác để đôi bên cùng có lợi, Việc Có đã chinh phục Shark Dzung Nguyễn để nhận được số tiền 300.000 USD dưới dạng trái phiếu chuyển đổi đúng như mong đợi khi đến Shark Tank.
Trước khi tiến vào phần gọi vốn, Phan Xuân Cảnh chia sẻ Việt Nam có khoảng 20 triệu người là lao động phổ thông tự do, con số tương ứng ở thị trường Đông Nam Á là 100 triệu người. Do đó, Việc Có đã ra đời nhằm kết nối những người làm tự do, việc làm đơn giản với các doanh nghiệp.
Hai nhà đồng sáng lập Việc Có cũng cho biết đã cùng làm việc với nhau 5 năm tại Tiki và nghỉ vào năm 2017. Cả hai nhận ra chỉ có công nghệ mới giải quyết được 3 vấn đề: Nhanh, chất lượng, quy mô lớn.
Bắt đầu hình thành ý tưởng từ năm 2015 nhưng đến đầu năm 2019 thì dự án bắt đầu triển khai, Việc Có có 14.000 người đăng ký đi làm, doanh thu tăng 50% hàng tháng. Tháng gần nhất, dự án tạo ra 1,5 tỷ đồng thu nhập cho các cộng tác viên và Việc Có sẽ thu 20% phí giao dịch từ doanh nghiệp.
Vốn chủ sở hữu 2 startup đã đóng vào là 3,5 tỷ đồng. Công ty hiện có 10 khách hàng, thuộc lĩnh vực kho bãi, thương mại điện tử, bán lẻ, logistics. Hiện đang hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống và đã đạt được thỏa thuận với một số nhà đầu tư, nhưng Việc Có vẫn quyết định đến Shark Tank để gửi đến các nhà đầu tư lời mời chào 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi kèm ưu đãi 10% cho vòng gọi vốn sau. Founder & CEO Phan Xuân Cảnh chia sẻ lý do: “Số tiền này 9 tháng nữa mới cần nhưng em rất thích làm việc với các Shark. Em nghĩ đây là cơ hội rất tuyệt vời”.
Shark Liên không đầu tư nhưng hứa sẽ theo cùng một Shark khác nếu có.
Hiện nay, dự án tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, có độ tin cậy cao. Những doanh nghiệp này thường có sự biến động lớn về nhân sự. Doanh nghiệp sau khi tiếp nhận dịch vụ sẽ có đối soát trả phí.
Về quản lý, người lao động sẽ cầm điện thoại đi vào nơi làm việc, Việc Có sẽ xác định vị trí. Sau đó, người lao động thực hiện chấm công trên ứng dụng để được ghi nhận.
Trả lời câu hỏi Việc Có có mua bảo hiểm cho người lao động không từ Shark Đỗ Liên, CEO Phan Xuân Cảnh cho biết đang thương lượng với một số khách hàng để tích hợp thêm. Với những nhóm có thời gian làm việc tương đối dài, Việc Có sẽ mua luôn bảo hiểm cho hoặc trợ giá một phần.
Tuy nhiên, Shark Việt cho rằng khi trở thành doanh nghiệp, rất nhiều cơ quan nhà nước đến đặt câu hỏi về việc thuê lao động. Nguyễn Sơn Tùng cho biết, bước đầu Việc Có sẽ yêu cầu chứng minh nhân dân của người đăng ký, sau đó bổ sung thủ tục cần thiết để đảm bảo đó là người tin cậy. Hiện 14.000 người đăng ký sẽ được xác thực hồ sơ thông qua việc tích lũy đánh giá hoặc kinh nghiệm tại các doanh nghiệp. Hệ thống cũng có cơ chế để cảnh báo doanh nghiệp về người lao động.
Là người đầu tiên đưa ra quyết định có xuống deal hay không, Shark Đỗ Liên cho biết bà rất thích dự án Việc Có nhưng lo lắng đến câu chuyện quản lý nhân sự. Do đó, bà quyết định không đầu tư. Song nếu các Shark khác đồng ý rót vốn, có thể bà sẽ tham gia cùng. Cho rằng thị trường lao động rất nhạy cảm, có nhiều rủi ro nên Shark Nguyễn Thanh Việt cũng quyết định không đầu tư.
Shark Bình trở lại tại tập 15 của Shark Tank mùa 3 sau nhiều tập vắng bóng.
Trong khi đó, Shark Dzung Nguyễn đề nghị đầu tư vào Việc Có 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, và được giảm 20% số tiền cho vòng gọi vốn sau, kèm điều kiện CAP (mức trần giá trị công ty) 2,5 triệu USD, giá trị công ty sau vòng gọi vốn đạt 1 triệu USD trong vòng 12 tháng.
Gia nhập cuộc đua, Shark Phạm Thanh Hưng đưa ra đề xuất 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi. Đi kèm là phương án giảm giá 30% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 15; hoặc phương án giảm giá 20% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 20%.
Trở lại “ghế nóng” trong tập 15, Shark Nguyễn Hòa Bình bày tỏ sự hứng thú với dự án. “Cá mập tri kỷ” đề nghị 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 35% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 6%.
Sau những hội ý và trao đổi, Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng muốn thương lượng cùng Shark Dzung Nguyễn nâng CAP từ 2,5 triệu USD lên 4 triệu USD. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã khước từ vì GMV startup chỉ có 1 triệu USD.
“Lý do anh đầu tư cho em, thứ nhất em là một trong những nhân viên đời đầu của tiki. Thị trường này vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết như câu chuyện bảo hiểm Shark Việt đã nói, nhưng anh nghĩ là startup phải đi giải quyết các vấn đề đấy. Mình phải bắt tay làm chứ nếu không làm thì chờ không biết ai sẽ làm. Nhưng ở giai đoạn này cũng đang rất rủi ro, quy mô GMV của em rất chi bé”, Shark Dzung Nguyễn chia sẻ.
Startup chọn đồng hành cùng Shark Dzung Nguyễn. Shark Liên giữ lời hứa góp vốn cùng "bạn cùng bể".
Diễn tiến cuộc thương lượng vẫn đang diễn ra giằng co, “bà ngoại U60” Đỗ Liên bất ngờ tuyên bố đổi ý, muốn quay lại cuộc đua để hỗ trợ startup, sẵn sàng viết Séc ngay tại phim trường theo nguyện vọng của hai nhà sáng lập Việc Có vì lý do các Shark nam quá “nhây”. Dẫu vậy, lòng tốt của “bà ngoại” bị Shark Việt thẳng thừng bác bỏ vì phạm vào luật chơi của Shark Tank.
Cuối cùng, Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng đã lựa chọn về đội Shark Dzung Nguyễn với 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 20% cho vòng gọi vốn kế tiếp và đã nhận được lời đồng ý. Shark Liên cho biết sẽ đồng hành cùng dự án.