Shark Tank mùa 7: "Cá mập" công nghệ Nguyễn Hòa Bình có đối thủ nặng ký

Ngoài "cá mập" công nghệ quen thuộc Nguyễn Hòa Bình, còn có nữ "cá mập" lần đầu ngồi ghế nóng Shark Tank cũng tuyên bố nhắm tới các startup có ứng dụng công nghệ.

Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế về kêu gọi vốn đầu tư khởi nghiệp đã có mặt tại 51 quốc gia trên toàn cầu. Đến Việt Nam từ năm 2017, trải qua 6 mùa phát sóng, Shark Tank với tên gọi Thương Vụ Bạc Tỷ đã giới thiệu 291 mô hình kinh doanh tới các nhà đầu tư (shark) và kết nối thành công 174 thương vụ.

Sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam, có hơn 60 startup đã được rót vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài chương trình. Nhiều startup đã ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về doanh thu, lợi nhuận, khách hàng, lượt tương tác, truy cập…, tương đương với kết quả của chiến dịch marketing trị giá hàng triệu đô la.

Với mục tiêu trở thành một bệ phóng khởi nghiệp, chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam (Thương Vụ Bạc Tỷ) vừa tiếp tục quay trở lại mùa 7, kết nối các ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư. Đây sẽ là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp đa dạng thông qua 42 thương vụ kêu gọi đầu tư.

Năm nay, ngoài "cá mập" công nghệ quen thuộc Nguyễn Hòa Bình, còn có một nữ "cá mập" lần đầu ngồi ghế nóng Shark Tank cũng tuyên bố nhắm tới các startup có ứng dụng công nghệ. Đó là Chủ tịch Quỹ đầu tư Weangels Capital Lê Mỹ Nga. Bà hứa hẹn đầu tư giai đoạn thiên thần cho các startup ứng dụng công nghệ để tạo những giá trị mới cho thị trường.

Bà Lê Mỹ Nga không chỉ có kinh nghiệm gần 30 năm công tác trong ngành dầu khí, năng lượng và hàng hải mà còn là cố vấn khởi nghiệp giúp các startup có yếu tố công nghệ tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra giá trị bền vững.

Shark Lê Mỹ Nga.

Shark Lê Mỹ Nga.

Tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 7, shark Lê Mỹ Nga sẽ đưa ra quyết định đầu tư dựa trên các tiêu chí: Người sáng lập thể hiện được đam mê và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực; sản phẩm có tính cộng đồng mà người dùng trên toàn cầu đều cần đến; và đặc biệt là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề trong các ngành kinh tế, giúp tạo ra những giá trị mới cho thị trường.

“Có yếu tố công nghệ thì mới tăng trưởng nhanh được. Nếu không có yếu tố công nghệ thì startup sẽ trở về với mô hình kinh doanh truyền thống, tăng trưởng chậm và khiến các nhà đầu tư khó thoái vốn”, shark Lê Mỹ Nga nhấn mạnh.

Shark Nguyễn Hòa Bình cũng có những đổi mới nhất định. Một startup có sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam và khó có thể cạnh tranh về giá so với các mặt hàng tiêu dùng phổ quát khác sẽ dễ thuyết phục được vị “cá mập công nghệ” này chốt deal đầu tư hơn.

Nhận định mô hình D2C (direct-to-consumer - bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng) đang trở thành xu hướng tất yếu và là cơ hội để các startup Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, shark Bình cho biết, tại Shark Tank Việt Nam mùa 7, ông sẽ mở rộng cơ hội cho startup bán lẻ trong mọi ngành hàng.

Shark Tank Việt Nam mùa 7 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 tối thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ ngày 29/7/2024.

Theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế sáu tháng đầu năm 2024 của Việt Nam ghi nhận sự khởi sắc trong các khu vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, với tổng mức tăng trưởng đạt 6,42%.

Với đà tăng trưởng tích cực, hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2024. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và UOB đều nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 6%. Trang Bloomberg của Mỹ thì dự báo Việt Nam có thể cán mốc tăng trưởng 7% nhờ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.