Shark Tank: Sợ startup "gặp khó sẽ bỏ chạy", shark công nghệ "lắc đầu"

Startup này chuyên sản xuất đồ chơi cho trẻ em với kênh bán hàng chủ yếu qua các sàn thương mại điện tử, nhưng lại chưa cho thấy hiệu quả của một mô hình kinh doanh online.

Vũ Trung Kiên - nhà sáng lập Công ty Cổ phần URRA Việt Nam đã kêu gọi đầu tư 5 tỷ đồng cho 20% giá trị cổ phần của công ty, tại tập 14 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4. URRA là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đồ chơi có sự kết nối, tương tác, tạo ra xúc cảm và duy mĩ của đứa trẻ ngay từ bé. Startup này có các sản phẩm đồ chơi như cá ngựa, cờ vua... và có dự tính phát triển mảng đồ chơi công nghệ cao.

Trung Kiên cho biết, sự khác biệt của URRA với các sả phẩm khác trên thị trường là ở mức giá (cao hơn). Theo đó, một bộ cá ngựa trên thị trường hiện giờ có mức giá từ 180.000 - 250.000 đồng là cùng, nhưng bộ cá ngựa của URRA có giá 790.000 đồng hoặc 1,2 triệu đồng tùy loại. Trung Kiên nêu quan điểm: “Thực ra mọi người đang nghĩ khác biệt ở thương hiệu, nhưng khác biệt cơ bản của nó là giá vốn đầu tư: Giá vốn đầu tư vào chi phí thiết kế, vật liệu”.

Nói về bức tranh tài chính, nhà sáng lập URRA cho biết, công ty được thành lập từ từ tháng 9/2020, đã đầu tư khoảng 1 tỷ tiền mặt. Tính đến hết tháng 12/2020, doanh thu thu về là 795 triệu đồng, hàng tháng được khoảng từ 250 - 500 triệu. Kênh bán hàng chính của URRA hiện tại là online.

Về định giá công ty 25 tỷ đồng, Trung Kiên giải thích, công ty mới bán hàng đã đạt được doanh thu luôn. Tính trên dung lượng thị trường trong vòng 5 năm, URRA có thể sản xuất ra khoảng 300.000 sản phẩm/năm. Nhà sáng lập URRA phân tích rằng, Việt Nam đang có khoảng 11 triệu gia đình có thu nhập từ 30 triệu trở lên. Thu nhập của khách hàng nằm trong khoảng từ 25 triệu trở lên cho một gia đình thì họ sẽ đầu tư cho bộ cá ngựa của công ty.

Shark Phú tiếp tục đặt câu hỏi: “Thế em biết liệu một năm mình tiêu thụ bao nhiêu bộ cờ vua hay cá ngựa ở dung lượng thị trường Việt Nam không?” và đưa ra ví dụ: “Nếu số liệu em nói Việt Nam một năm tiêu thụ 1 triệu bộ cờ vua, em chiếm 10% thị phần thì là 100.000 bộ thì còn có cơ sở. Chứ em bảo Việt Nam có bao nhiêu triệu hộ xong em tự tính ra như thế thì không chính xác”.

“Người Việt chưa có thói quen chơi board game ở nhà với nhau. Bọn em kỳ vọng một số tiền để phát triển thị trường. Bọn em không che giấu chuyện bọn em chưa có căn cứ gì để định giá”, Trung Kiên đáp.

Shark Phú nói thêm: “Nguyên tắc khi chưa biết chắc thì coi như góp vốn cùng. Ví dụ tổng giá trị công ty em đầu tư là 1 tỷ, thì em mời thêm 1 tỷ nữa. Chứ tương lai là bất định. Người ta không chơi đồ chơi mà em educate thì tốn không biết bao nhiêu thời gian”.

Shark Tank: Sợ startup "gặp khó sẽ bỏ chạy", shark công nghệ "lắc đầu" - 3

Dàn "cá mập" tại Shark Tank mùa 4 tập 14.

Shark Hưng nhận định: “Ở đây có 2 vấn đề, một là kiểm soát về vấn đề chi phí. Bạn nói giá thành rất cao là khác biệt. Đúng, nhưng đấy là khác biệt bất lợi. Thứ hai, dung lượng thị trường là bao nhiêu và bạn đánh chiếm được bao nhiêu phần trăm thị trường với mức giá cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm đại chúng hiện nay?”.

Shark Hưng liên tiếp đặt ra câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn về kế hoạch sử dụng vốn của startup và doanh thu, lợi nhuận những năm tiếp theo.

Startup đặt ra mục tiêu doanh thu cộng dồn trong 5 năm tới là 300 tỷ đồng. “Em có nhãn thời trang, ban đầu bỏ ra 50 - 200 triệu. Khi đạt mức doanh thu 1 tỷ/tháng, bọn em lấy doanh thu đó để tái đầu tư chứ không đốt hết. Với kinh nghiệm của em, em chắc chắn là được”, Trung Kiên tự tin khẳng định.

Shark công nghệ Nguyễn Hòa Bình chỉ ra thêm nhiều điểm yếu của startup: “Em nói thương mại điện tử là kênh chính của em. Bán hàng online để có lợi nhuận tốt thông thường phải bán gấp 5 giá vốn mới chắc chắn khả năng có lãi, vì chi phí lớn nhất là cho quảng cáo. Giá thành gấp 3 cộng với chi phí marketing như em nói khoảng 25%, anh nghĩ thực tế có thể cao hơn, thậm chí còn lỗ..."

Thứ hai, theo shark Bình, cách chọn thị trường của startup này là quá ngách. Mình nghĩ rằng có khi xã hội cần cái này, nhưng chưa chắc. Startup chưa chứng minh được là mình tìm được “long mạch” trong phân khúc thị trường này của mình.

Theo shark Bình, khi gọi vốn cổ phần bên ngoài phải có kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài chính cực kỳ rõ ràng. Và thông thường phải chứng minh lợi nhuận hàng năm đem lại cho nhà đầu tư, ít nhất phải cao hơn 3 lần so với các kênh đầu tư chắc ăn khác...

"Trong quá trình pitch, em cho các shark thấy điểm hở sườn “chết người” của em là em có quá nhiều phương án và sự lựa chọn, nhiều lối thoát, quy mô doanh nghiệp khác để em có thể kiếm tiền. Khi business này gặp khó khăn thì em có thể rút chạy trốn và có thể bỏ rơi đứa con này”, shark Bình phân tích.

Cuối cùng, không chỉ shark Bình "lắc đầu" từ chối mà các shark khác cũng đều từ chối đầu tư cho startup này.