Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) mùa 4 đã phát sóng tập đầu tiên vào tối Chủ nhật (2/5) trên kênh VTV3 tạo ra một làn sóng hào hứng từ các khán giả trẻ yêu thích chương trình sau một năm vắng bóng. Đã có ba startup xuất hiện trong tập 1 nhưng chỉ hai trong số đó được các "cá mập" chọn đầu tư, còn lại một startup công nghệ bị từ chối vì tự định giá mình cao gấp 50 lần so với thực tế.
Đó là thương hiệu mắt kính Weehours. Lấy ý tưởng từ chính việc mua mắt kính online khá khó khăn của bản thân nên nhà sáng lập Đinh Ngọc Nam Anh cùng đồng sáng lập của Weehours đã mang đến một giải pháp công nghệ giúp các bạn trẻ dễ dàng hơn khi mua kính online. Đó là dùng công nghệ đặt các mẫu kính lên mặt khách hàng, có thể xem là phòng thử kính online, giải quyết được vấn đề lớn nhất khi mua kính online là độ phù hợp với gương mặt. Nhờ điều này mà cả hai tin rằng, bất cứ ai cũng có thể sở hữu một cặp kính online đạt tiêu chuẩn “vừa vặn, vừa đẹp và vừa ví”.
Đại diện startup cũng chia sẻ thêm, mỗi cửa hàng của Weehours đều có thể đạt điểm hòa vốn sau 5 - 7 tháng so với chuỗi bán lẻ truyền thống phải là từ 1 - 2 năm. Trung bình một ngày, startup có 10 - 15 khách hàng, hiện đã có 2 cửa hàng, một ở Hà Nội và một ở TP.HCM, doanh thu một tháng 900 triệu, lợi nhuận 15% và giá trị một giỏ hàng trung bình là 1 triệu đồng.
Dàn "cá mập" tại tập 1 của Shark Tank mùa 4.
Với mức kêu gọi 5 tỷ đồng lấy 10% cổ phần, tương đương với mức định giá công ty lên đến 50 tỷ, Weehours khiến các shark băn khoăn về căn cứ định giá này. Shark Phú đã hỏi startup này về các chỉ số lợi nhuận, chi phí thuê mặt bằng làm cửa hàng, số lương chi trả cho các nhân viên, vốn điều lệ, số cổ đông… Tuy tổng số tài sản bao gồm vốn điều lệ và lợi nhuận của Weehours chỉ ở mức 1,25 tỷ đồng nhưng định giá công ty gấp gần 50 lần khiến các shark khó lòng bị thuyết phục.
Shark Hưng cũng cho rằng, kính không phải là một mặt hàng tiêu dùng nhiều như quần áo và có sự cân nhắc kỹ trước khi quyết định vì ngoài yếu tố thời trang thì còn có yếu tố chất lượng. Nhận thấy startup không có khả năng phát triển đột biến trong tương lai, shark Hưng tuyên bố không đầu tư.
Đứng trên góc độ phân tích tài chính, shark Phú không tin vào con số lợi nhuận 15% mà startup đưa ra, và khả năng sinh lời nếu mở rộng hơn là rất khó nên Shark Phú cũng từ chối đầu tư. Tương tự, shark Bình chưa cảm nhận được ý nghĩa của việc chuyển đổi số này nên quyết định không đầu tư.
Các shark khác cũng cho rằng, startup có tham vọng quá lớn, đặt ra quy mô công ty lớn nhưng mức độ đầu tư còn ít, không thấy sự nổi trội của sản phẩm hay tính đột phá của startup… nên các shark không đầu tư cho Weehours.