Shark Thái Vân Linh: "Người 65 tuổi cũng theo học AI"

Việt Nam không chỉ có nguồn nhân lực AI tài năng mà còn có tinh thần cầu tiến mạnh mẽ.

Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ và đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, các chuyên gia hàng đầu đã cùng nhau thảo luận về những yếu tố then chốt giúp Việt Nam có thể bứt phá và khẳng định vị thế của mình.

Tại một buổi tọa đàm do Antler và Aspire đồng tổ chức mới đây, các diễn giả như Erik Jonsson (General Partner, Antler Vietnam), Thái Vân Linh (CEO, Skills Bridge), Bình Trần (General Partner, Ascend Vietnam Ventures) và Calvin Lâm (CEO, American Fashion) đã cùng chia sẻ những góc nhìn về tiềm năng và thách thức của Việt Nam.

Theo ông Bình Trần, Việt Nam đang sở hữu lợi thế lớn về nguồn nhân lực công nghệ với chi phí cạnh tranh: "Một kỹ sư AI tại Việt Nam chỉ cần trả lương 5.000 USD/tháng (tức 60.000 USD/năm - PV) và họ sẵn sàng viết code lúc 2 giờ sáng, trong khi tại Mỹ con số này lên tới 250.000 - 300.000 USD/năm".

Hơn nữa, theo ông Bình Trần, nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam không chỉ nổi bật bởi chi phí cạnh tranh mà còn được đánh giá cao về đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cá nhân mạnh mẽ.

Bà Thái Vân Linh (còn được biết đến là shark Linh từ chương trình Shark Tank Việt Nam) thì nhấn mạnh, AI đang mở ra cơ hội chưa từng có cho các startup: "Trước đây một công ty SaaS cần 10.000 khách hàng để hòa vốn, giờ chỉ cần 10 khách hàng là đã có thể sinh lời".

“Việt Nam không chỉ có tài năng mà còn có tinh thần cầu tiến mạnh mẽ. Chúng tôi mở rộng khóa học AI và thấy cả người 65 tuổi cũng đang theo học. Mọi người thực sự muốn học và tiến lên”, bà Thái Vân Linh chia sẻ.

Dù AI đang mở ra nhiều cơ hội nhưng theo các diễn giả, Việt Nam cần thay đổi tư duy văn hóa để tận dụng tối đa tiềm năng. Ông Calvin Lâm chỉ ra một thực tế: "Chúng ta hay khen thưởng cho ngành marketing và tài chính ngân hàng, nhưng chưa trân trọng kỹ sư và kỹ thuật. Điều đó cần thay đổi". Theo ông, nếu không đề cao sáng tạo kỹ thuật và giải quyết vấn đề, Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội lớn trong kỷ nguyên AI.

Từ góc nhìn giáo dục, Michael Liebmann - một khách mời tại sự kiện chia sẻ câu chuyện: "Tôi dạy một lớp AI cấp hai với 40 học sinh. Một em học sinh trường chuyên đã tạo ra 4 trò chơi chỉ trong 15 phút bằng iPad, trong khi các bạn khác mới làm được 1. Sự sáng tạo đó thực sự khác biệt". Điều này cho thấy tiềm năng sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cải cách giáo dục để thúc đẩy tư duy phản biện và hợp tác.

Nhìn chung, theo các diễn giả, Việt Nam đang sở hữu tài năng, khát vọng và thời điểm thuận lợi để định hình tương lai đổi mới. Tuy nhiên, như các diễn giả đã nhấn mạnh, Việt Nam cần hành động khẩn trương, đầu tư vào con người và hạ tầng để tạo môi trường cho sự thành công bền vững. Trong đó, chia sẻ của shark Linh về "người 65 tuổi học AI" không chỉ là một chi tiết thú vị, mà còn là biểu tượng cho tinh thần học hỏi không ngừng - chìa khóa để Việt Nam bứt phá trong cuộc đua toàn cầu.

Dịp này, Antler đã đồng thời công bố ebook "The Theory of Next: Southeast Asia" dành cho những ai muốn tìm hiểu các ý tưởng có thể định hình bức tranh công nghệ và đổi mới của Đông Nam Á. Đây là cẩm nang hướng tới tương lai, giúp người đọc hiểu khu vực của mình đang đi về đâu, và cách các nhà sáng lập cùng nhà đầu tư có thể dẫn đầu thị trường.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra loạt khuyến nghị khi sử dụng AI

Sáng ngày 4/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức lớp bồi dưỡng về công nghệ Generative AI (GenAI) cho 188 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương của Bộ KH&CN. Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã trực tiếp phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng các ứng dụng AI trong công tác quản lý, điều hành cho các học viên.

Theo ông Duy, GenAI có thể là công cụ hữu ích để giải quyết các công việc đơn giản và các tác vụ thường xuyên, giúp giảm tải công việc của các cơ quan, đơn vị.

Dù vậy, ông Duy cũng lưu ý một số điểm quan trọng khi sử dụng AI trong công việc: GenAI không thể thay thế chuyên gia trong các lĩnh vực phức tạp. Công nghệ này chỉ có thể hỗ trợ những công việc đơn giản, còn những vấn đề đòi hỏi sự chuyên môn sâu vẫn rất cần sự can thiệp của con người.

Thông tin do GenAI tạo ra đôi khi có thể không chính xác cũng là vấn đề cần lưu ý. Thứ trưởng Bộ KH&CN nhận định, GenAI có thể cung cấp thông tin sai lệch hoặc thiếu chính xác, do đó khi sử dụng luôn chú ý kiểm tra lại các nguồn thông tin trước khi áp dụng vào công việc thực tế.

Mặt khác, khả năng hiểu ngữ cảnh của GenAI còn hạn chế. Công nghệ này phụ thuộc vào các dữ liệu đầu vào mà người dùng cung cấp, do đó không thể hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi sự hiểu biết sâu về tình huống hay ngữ cảnh.

GenAI cũng thiếu khả năng sáng tạo và cảm xúc của con người. Vì vậy, cần có sự tham gia của con người để hoàn thiện những sản phẩm hoặc công việc đòi hỏi yếu tố cảm xúc và sáng tạo.