Thương mại điện tử tiếp tục “đốt tiền”
Dù kết quả đã cải thiện, thương mại điện tử, cụ thể là nền tảng Shopee vẫn tiếp tục là lĩnh vực “đốt tiền” của Sea - Công ty mẹ Shopee.
Trong quý II/2022, giá trị 2 tỷ đơn hàng giao dịch thành công trên Shopee (GMV) đạt 19 tỷ USD. Theo tính toán, mỗi đơn hàng của Shopee có giá trị bình quân gần 10 USD. Đáng chú ý, Shopee lỗ khoảng 0,33 USD (gần 8 nghìn đồng) trên mỗi đơn hàng. Mức lỗ này đã cải thiện 21% so với cùng kỳ năm 2021 - báo cáo tài chính quý II/2022 của Sea cho biết.
Khi nói chuyện với cổ đông, nhà sáng lập và CEO Forrest Li cho rằng Sea đã “làm điều phải làm ở đúng thời điểm” để giữ vững được vị trí dẫn đầu thị trường.
Theo ông, kết quả đạt được ở Quý này thể hiện thành công trong những nỗ lực đầu tiên làm cho bộ máy “tinh gọn” và “thích ứng” – hai điều quan trọng mật thiết dẫn đến thành công lâu dài trong bối cảnh vĩ mô bất định và xu hướng mở cửa kinh doanh sau đại dịch.
Trong Quý II, mặc dù Shopee có mức tăng trưởng doanh thu ngoạn mục lên đến 51,4% so với cùng kỳ năm trước, nền tảng bán hàng trực tuyến vẫn là mảng kinh doanh gây lỗ chủ yếu, mức lỗ ròng là 931 triệu USD, EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) âm 648,1 triệu USD.
Thị trường Đông Nam Á và Đài Loan là điểm sáng của Shopee trong kinh doanh Quý vừa rồi.
Mỗi đơn hàng Shopee ở các thị trường này lỗ không đáng kể 1 cent (chưa đến 240 đồng), cải thiện hiệu quả đến 95% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi ở thị trường Brazil, mỗi đơn vẫn còn lỗ 1,42 USD. Trong năm nay, Shopee đã rút khỏi Ấn Độ, cũng như một số nước châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha) và châu Mỹ Latinh (Mexico, Chile và Colombia).
1-3% nhân sự Shopee sẽ bị cắt giảm
Dù không trực tiếp đề cập đến vấn đề cắt giảm nhân sự, nhưng báo cáo kinh doanh quý II của Sea cũng đã dự báo kế hoạch tinh gọn bộ máy.
1-3% lượng nhân sự sẽ bị cắt giảm - một nguồn tin xin giấu danh tính tiết lộ với BusinessInsider. Đây không phải là tỷ lệ cho nghỉ việc cao, nhưng là chỉ dấu cho những thay đổi mang tính chiến lược của Shopee trong thời gian tới.
Shopee Indonesia là đơn vị đầu tiên công bố con số 3% nhân viên buộc phải nghỉ việc, ở cả bộ phận marketing lẫn vận hành, tương ứng với thông tin của Business Insider.
Ngày 19.9, vài giờ sau cuộc họp toàn thể nhân viên tại trụ sở Singapore, một số nhân viên của Sea Limited bắt đầu nhận được thông báo cho thôi việc.
Theo nguồn tin của Zing, một số quyền lợi dành cho nhân viên tập đoàn đa quốc gia này ở Việt Nam như bữa sáng, thức ăn nhẹ, team building cũng bị cắt giảm ở mức tối đa. Tại Việt Nam, Shopee luôn là một trong những doanh nghiệp có môi trường làm việc “cool” nhất với phúc lợi vượt trội dành cho nhân viên.
Với ba mảng kinh doanh chính là thương mại điện tử (Shopee), giải trí trực tuyến (Garena) và dịch vụ tài chính (SeaMoney), tổng cộng khoản lỗ trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) của Sea lên đến 506,3 triệu USD. Chỉ duy nhất mảng giải trí trực tuyến đem về lợi nhuận.
Mặc dù không đề cập đến việc cho nhân viên nghỉ việc hay cơ cấu lại tổ chức, từ khóa “tinh gọn” và “cải thiện hiệu quả” được lặp lại nhiều lần trong cuộc họp với cổ đông đã hé lộ phần nào kế hoạch của công ty mẹ Shopee.
Tin tức về công ty mẹ của Shopee cũng khiến nhân viên của tập đoàn này ở Việt Nam lo lắng vì có thể bị cho thôi việc bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Với con số cắt giảm nhân sự 1-3%, có vẻ như tại các thị trường còn đang hoạt động, kế hoạch chính của Shopee là thắt chặt chi tiêu, chứ không phải cho nghỉ việc hàng loạt, ít nhất là trong 12-18 tháng tới.
“Trước mắt, phải tìm mọi cách để giảm chi phí hoạt động. Càng tiết kiệm được nhiều tiền mặt mỗi ngày, chúng ta càng có nhiều thời gian để vượt qua cơn bão này. Mỗi một chút nhỏ cũng đều có giá trị”, ông Forrest Li viết trong tâm thư gửi nhân viên ngày 15.9 để thông báo về “quá trình chuyển đổi đau đớn và căng thẳng” này.
-
Hiếu PC cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển dụng CTV cho sàn thương mại điện tử, người dùng có thể bị "bốc hơi" hàng trăm triệu
-
Sàn thương mại điện tử phải chia sẻ thông tin người bán từ 1/1/2022
-
Hiếu PC vạch trần nền tảng làm giả website khiến người dùng bị đánh cắp tài khoản Facebook, Google, Shopee, Garena