Smart City: "Đầu tư hàng tấn tiền mà không có hạ tầng thì cũng không thể thành công"

Đó là nhận định của chuyên gia khi nói về việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh hay đô thị thông minh (smart city).

Xây dựng đô thị thông minh (smart city) đang là xu hướng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với việc ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của công tác quản lý, vận hành, phục vụ người dân, smart city hứa hẹn sẽ tạo ra một môi trường sống hiện đại, văn minh.

Smart City: "Đầu tư hàng tấn tiền mà không có hạ tầng thì cũng không thể thành công" - 1

Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đã đi qua giai đoạn đầu của xây dựng và vận hành, đang chuyển sang giai đoạn nở rộ về smart city. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố trực đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng, còn có thêm 100 dự án về đô thị thông minh trong quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, theo ông Ted Kim - Giám đốc Bespin Global Việt Nam, sự phát triển của smart city chỉ bền vững khi đáp ứng ba yếu tố. Thứ nhất là tầm nhìn, định hướng rõ ràng xây dựng đô thị thông minh như thế nào. Thứ hai là phải lên kế hoạch vận hành và quản lý cụ thể.

"Khi đã có tầm nhìn phát triển và có mục tiêu, chiến lược quản lý vận hành thì cần có một giao diện vận hành, đặc biệt để bền vững thì phải có hệ thống thu thập đồng bộ được tất cả thông tin, phân tích nó như thế nào để tiết kiệm tối đa chi phí vận hành mà mang lại môi trường sống tốt hơn cho người dân tại đô thị này", ông nói.

Ông Ted Kim lấy ví dụ, Hyundai đã xây dựng thành công giao diện vận hành, quản lý thông minh để liên kết trụ sở tại Hàn Quốc và các chuỗi trên toàn cầu để rút ngắn nghiên cứu, sản xuất xuống chỉ còn 1/5 so với trước kia.

Hay không đâu xa, ngay tại Việt Nam, 18.000 đèn cho cư dân thành phố Huế đã được chuyển từ đèn neon thường sang đèn LED. Việc này không chỉ giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ mà còn hỗ trợ kết nối cùng hệ thống viễn thông, mạng không dây để gửi đi thông tin về thời tiết, khí hậu, độ bụi, tình hình giao thông,...

Smart City: "Đầu tư hàng tấn tiền mà không có hạ tầng thì cũng không thể thành công" - 3

Ông Tek Kim - Giám đốc Bespin Global Việt Nam.

Bên cạnh những dự án thành công, Giám đốc Bespin Global Việt Nam cũng nhắc lại một dự án mà Bespin tham gia xây dựng cùng với công ty viễn thông SK Telecom (Trung Quốc) từ 15 năm trước. Dự án có tên là U City, gắn tiện ích của căn hộ với mạng viễn thông.

"Thời điểm đó chưa có khái niệm smart city hay smartphone, mạng 5G. Có đầu tư hàng tấn tiền mà không có hạ tầng thì cũng không thể thành công. SK đã không thành công", ông Kim nói.

So sánh giữa phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và các nơi Bespin đang có mặt, ông Kim lấy Hàn Quốc làm ví dụ. Ông đánh giá, định hướng phát triển đô thị thông minh của Việt Nam dù có độ trễ nhất định so với Hàn Quốc nhưng cả hai nước đều có điểm tương đồng và có thể tham khảo lẫn nhau để phát triển.

Rộng hơn sang khu vực Trung Đông. Khu vực này chưa có bất kỳ cơ sở hạ tầng hiện hữu nào nổi bật nhưng đang có dự án xây dựng đô thị thông minh trị giá tới 500 tỉ USD. Họ đang mời cả Google, Amazon, Microsoft, Bespin,... tham gia vào xây dựng. Điều đó cho thấy Trung Đông đang có tầm nhìn, định hướng rất rõ ràng và một sự đầu tư bài bản.

"Mục tiêu phát triển kỹ thuật và chuyển đổi số là mục tiêu không thể tránh khỏi hiện nay. Thay vì tập trung phát triển thành phố thì phải tập trung vào việc vận hành thành phố thông minh một cách thông minh nhất. Việt nam hiện nay cũng đã bước vào giai đoạn này. Bởi lẽ lợi ích từ việc vận hành thành phố một cách thông minh lớn hơn rất nhiều so với chi phí phải bỏ ra", ông Kim nhấn mạnh.

"Giờ đây, ngoài chất bán dẫn, thép, dầu mỏ thì đô thị thông minh cũng là yếu tố hạt nhân quyết định khả năng cạnh tranh quốc gia trong trận chiến về kỹ thuật toàn cầu. Điều đó lý giải cho việc các quốc gia dầu mỏ giàu có như Ả Rập Xê Út và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất vẫn đẩy mạnh đầu tư xây dựng đô thị thông minh", ông nói thêm.

Để thành công trong việc phát triển đô thị thông minh, theo ông Kim, vai trò của chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều đóng vai trò quan trọng. Trong đó, người dân cần phải chuẩn bị sẵn tâm thế trở thành các công dân số sống trong các khu đô thị thông minh.