Trong buổi họp báo ra mắt 3 chiếc smartphone là Mate 20, Mate 20X và Mate 20 Pro mới đây, Huawei đã “tự hào” khi so sánh chiếc Mate 20X của họ với Nintendo Switch. Và giới truyền thông cho rằng hành động này của họ thật ngớ ngẩn.
1. Nintendo Switch từ bao giờ được coi là một chiếc điện thoại?
Thường khi để so sánh các sản phẩm với nhau, nhiều nhà sản xuất điện thoại sẽ lấy một hoặc nhiều chiếc điện thoại từ các hãng khác rồi từ đó làm nổi bật các thông số nhằm PR cho sản phẩm của chính mình. Nhưng đây Huawei lại lấy một chiếc máy chơi game cầm tay của Nintendo để làm tham chiếu thì thật sự có quá khập khiễng?
Nintendo Switch về bản chất cũng có các kết nối di động nhưng tất cả chúng chỉ nhằm cho mục đích chơi game và giải trí, còn Mate 20X thì còn phải đáp ứng nhu cầu của một chiếc điện thoại. Về mặt tay cầm, chưa bao giờ tay cầm của điện thoại lại có thể sánh ngang được với những ông tổ của ngành gaming mobile như Nintendo chứ chưa nói đến các đại gia game console như PS4 hay Xbox. Còn về thời lượng pin thì lại càng khó để so sánh vì mỗi máy chạy một hệ điều hành riêng biệt, phục vụ cho nhu cầu khác nhau.
Nếu phải nhận định về vấn đề này thì việc so sánh của Huawei giống như việc hỏi bạn xem giữa phở bò và bún chả thì món nào ngon hơn vậy.
2. Nintendo có thực sự quan tâm đến điều này?
Người Trung Quốc thời gian gần đây luôn lấy cấu hình để “khè” những ông lớn khác, ngay cả buổi ra mắt vừa rồi Huawei cũng làm vậy. Huawei cho rằng Switch có gì thì Mate 20X của họ cũng có thậm chí còn tốt hơn, màn hình rộng với độ phân giải lớn hơn, thời lượng pin to hơn, tay cầm cũng có… Về cấu hình thì Huawei còn tự tin với con chip của họ khi tuyên bố chip mạnh hơn, RAM cũng nhiều hơn.
Nhưng Nintendo có buồn bận tâm đến Mate 20X? Hãy thử phân tích sâu hơn một chút về chính chiếc Nintendo Switch này. Đầu tiên là 2 máy chẳng ở 2 lĩnh vực giống nhau, nhu cầu sử dụng khác nhau. Nếu Huawei tự tin khẳng định rằng trải nghiệm game của họ trên Mate 20X là ngon hơn thì Nintendo chỉ cần “hù” họ bằng thư viện game thôi là đã đủ để Huawei “shutdown”. Trải nghiệm game có ngon đến mấy mà nội dung nghèo nàn thì cũng chỉ là thất bại, đây là tình cảnh tương tự của Xbox One và PS4 khi mọi thứ trên Xbox One đều ngon nhưng thua mỗi “các tựa game độc quyền”.
Việc thứ 2 là liệu so sánh cấu hình để dọa Nintendo có phải là một chiến lược đúng đắn? Lại càng không. Hầu như với những người có sở thích chơi game trên các thiết bị cầm tay thì đều biết rằng Nintendo đã đứng ngoài cuộc đua cấu hình từ rất rất lâu rồi. Họ không mấy quan tâm đối thủ có những thiết bị như nào, cấu hình ra sao… mà cái Nintendo tập trung vào nhất là tạo được môi trường phát triển tối ưu nhất với các tựa game được phát hành cho chiếc máy họ làm ra. Có thể vì chính thất bại của hệ máy Wii trước Xbox và Ps4 mà Nintendo đã thay đổi chiến lược cạnh tranh khi không còn đua cấu hình nữa. Và riêng về khoản này thì hiếm có nhà sản xuất nào đạt được thành công như thế hệ máy Switch hiện giờ.
Vậy nên có thể khẳng định luôn là không bao giờ Nintendo bận tâm đến các bài so sánh kiểu của Huawei đã làm. Những so sánh của Huawei còn tự biến họ thành trò cười trong mắt các đại gia của ngành công nghiệp game. Mặt khác, các thiết bị của Huawei hay các thương hiệu Trung Quốc trên thực tế không phải tốt như những gì chúng ta nghĩ, lí do nằm ở phần dưới đây.
3. Chính phủ chống lưng, ăn gian hiệu năng thiết bị, ăn cắp thông tin người dùng
Huawei hay các nhà sản xuất điện thoại tại Trung Quốc từ xưa đến nay luôn bị cho là được chính phủ của quốc gia này chống lưng. Bởi nhờ có vậy mà giá thành các sản phẩm của quốc gia này luôn thấp hơn rất nhiều so với các công ty khác. Ừ thì có ai đó cho rằng lợi nhuận của họ là thấp nếu so với các công ty khác nhưng ở một mặt nào đó, Huawei hay Xiaomi hoặc Oppo đơn thuần là những kẻ “copy” thiết kế và trải nghiệm chứ họ không mất nhiều thời gian nghiên cứu để tạo ra chúng. Chi phí dành cho R&D (nghiên cứu & phát triển) của những công ty Trung Quốc chưa bao giờ vươn đến tầm của 2 ông lớn là Samsung và Apple, do đó đừng nên thắc mắc tại sao các sản phẩm của 2 công ty này có giá thành cao hơn rất nhiều các thương hiệu Trung Quốc.
Chắc hẳn các bạn nếu quan tâm đến công nghệ cũng biết scandal gian lận hiệu năng tháng 9 vừa rồi của Huawei trên 3 chiếc smartphone là P20, P20 Pro và Nova 3i. Chính nhờ những gian lận này mà Huawei đã phải chữa cháy bằng cách cho rằng “họ gian lận thì tôi cũng gian lận vì đây là thị trường Trung Quốc”, thật tiếc là thế giới không nghĩ như những gì họ nghĩ.
Ngoài ra, việc Huawei bị chính phủ Mỹ cấm bán các sản phẩm sang quốc gia này còn thực sự tạo nên sức ép rất lớn dành cho chính họ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Lí do cấm bán rất đơn giản: thu thập và đánh cắp thông tin người dùng. Có thể nhiều người sẽ cho rằng công ty nào chả thu thập thông tin nhưng riêng với Trung Quốc thì vấn đề này còn tiềm ẩn nguy cơ ở mức cao hơn rất nhiều. Nhưng ở bài viết này người viết sẽ không đề cập sâu về vấn đề nhạy cảm kể trên.
Chốt lại, việc Huawei so sánh chính họ với Nintendo Switch nếu suy nghĩ đơn giản thì họ chỉ muốn làm nổi bật chiếc máy của họ mà thôi. Còn với những chuyên giá đánh giá, việc làm của Huawei sẽ giúp họ có được những bài review cực kì châm biếm.