Startup Việt kiếm tiền từ 'khoảng thời gian chết' của người dùng

Với hơn 2.000 đầu sách và 14 triệu podcast cùng nhiều tính năng vượt trôi, startup sách nói Voice FM đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 100% trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua.

Tập trung vào “khoảng thời gian chết” của người dùng

Trần Ngọc Thái, đồng sáng lập kiêm CEO Voice FM, là một chàng trai sinh năm 1993 có niềm đam mê kinh doanh và công nghệ từ nhỏ. Thái cho biết, Voiz FM không cạnh tranh với những ứng dụng giải trí, mạng xã hội, mà tập trung vào khách hàng sử dụng “khoảng thời gian chết” trong ngày để nghe sách. Khoảng thời gian chết là lúc người dùng đang di chuyển, nấu ăn, lái xe, tập thể dục v.v... chỉ có thể nghe được bằng tai.

“Thời gian chết của một người trung bình 3 tiếng/ngày. Trong khoảng thời gian này họ thường nghe nhạc hoặc không làm gì cả”, anh Thái nói. “Nếu tận dụng thời gian này để nghe sách thì chúng ta sẽ tích lũy một kho kiến thức rất giá trị.”

Trong khi dịch Covid-19 bùng phát khiến các công ty, kể cả tập đoàn lớn lao đao thì Voiz FM chứng kiến lượng người dùng tăng đột phá, thu hút sự chú ý của các quỹ trong nước và quốc tế, thậm chí các nhà đầu tư còn tranh nhau tìm đến. Dù ngay từ thời điểm trước dịch Covid-19, Voiz từng rơi vào tình cảnh cạn vốn, phải cắt giảm phân nửa nhân sự, các founder muốn bỏ cuộc.

Startup Việt kiếm tiền từ 'khoảng thời gian chết' của người dùng - 1

Chấp nhận lượng đầu sách ban đầu tăng chậm so với các đối thủ vi phạm bản quyền, nhưng nhờ coi trọng và đảm bảo toàn bộ sách bản quyền mà hiện Voiz FM đã kết nối với 12 nhà xuất bản lớn nhất (NXB) Việt Nam. Trong đó, có NXB Kim Đồng, NXB Tổng Hợp TP.HCM, NXB Trẻ, First News, Saigonbooks, Alphabooks, Quảng Văn, Bách Việt... Voiz hiện là ứng dụng sách nói đầu tiên của Việt Nam đàm phán mua bản quyền từ các tác giả và NXB.

Vươn tới 2 triệu active users

Anh Trần Ngọc Thái cho hay, Voiz tập trung phát triển trải nghiệm nghe cho người dùng. “Ngoài các tính năng đánh dấu trang, đầu tư thu âm để có chất lượng âm thanh tốt, lưu tải âm thanh, Voiz còn có cả một cộng đồng Voice Talent phục vụ cho việc đọc", vị CEO trẻ nói thêm.

Hiện, trung bình một người dùng vào ứng dụng Voiz để nghe sách 1 tiếng/ngày. Trong thời gian tới, Voiz FM có kế hoạch triển khai tới các trường đại học, phương tiện giao thông công cộng, chuỗi cà phê…., với mục tiêu đạt 2 triệu active users trong thời gian ngắn nhất.

Startup Việt kiếm tiền từ 'khoảng thời gian chết' của người dùng - 2

Bên cạnh đó, sắp tới đây, người dùng vào ứng dụng Voiz sẽ được lựa chọn nhiều giọng đọc khác nhau, từ các vùng, miền, đến giới tính. “Đối với Audio Books thì giọng đọc là một trong những phương thức truyền tác phẩm vào sâu tâm thức của người nghe, vì vậy đây là yếu tố then chốt của Voiz FM”, anh Thái giải thích.

Voiz đang triển khai hình thức thanh toán qua app store và sẽ triển khai nền tảng thanh toán nạp xu vào tháng 9 tới. CEO của Voiz cho biết tiềm năng của thị trường trong nước đang rất lớn và sẽ sớm vượt lên cả sách in.

Ước lượng thị trường Audiobook toàn cầu khoảng 3.5 tỷ đô la Mỹ, trong đó Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường Audiobook lớn nhất, chiếm trên 70%, tiếp đến là thị trường Bắc Âu, Anh, Euro.

Tại Việt Nam, trong mối quan hệ giữa sách in, ebook và sách nói thì sách in vẫn đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lĩnh vực sách nói của Việt Nam được nhận định đang có những nền tảng kỹ thuật và xã hội thuận lợi để bùng nổ.

Hiện, Voiz FM đang phát triển riêng công cụ Giọng đọc trí tuệ Nhân tạo (AI Voice) để rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất nội dung, đồng thời phục vụ nhu cầu chọn giọng nói theo sở thích của người dùng. Trong 1 thử nghiệm khách hàng gần đây, hơn 80% người dùng không thể phân biệt được AI Voice của Voiz FM với giọng nói của người thật. Theo kế hoạch, công cụ này sẽ được ra mắt vào tháng 10/2020.