Sự sống trên Trái Đất có thể đến từ sao Hỏa

Một nghiên cứu mới cho thấy vi khuẩn có thể tồn tại trong suốt quãng đường đi từ Trái đất đến sao Hỏa.

Sự sống trên Trái Đất có thể đến từ sao Hỏa - 1

Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện vi khuẩn Deinococcus radiodurans có thể tồn tại tới 8 năm trong không gian. Họ đã nghiên cứu vi khuẩn này trên Trạm vũ trụ quốc tế. Kết quả khẳng định khả năng xảy ra hiện tượng "panspermia". Đây là giả thuyết cho rằng sự sống có thể lan truyền trong không gian thông qua các vi khuẩn trôi nổi.

Một nghiên cứu mới từ các nhà nghiên cứu Nhật Bản xác nhận khả năng sự sống lan rộng khắp vũ trụ thông qua các vi khuẩn tự bám vào các thiên thể, được gọi là hiện tượng panspermia. Các nhà khoa học chỉ ra rằng vi khuẩn ở bên ngoài Trạm vũ trụ quốc tế có thể tồn tại trong không gian trong nhiều năm. Nhóm nghiên cứu cũng kết luận rằng vi khuẩn Deinococcus radiodurans được sử dụng trong thí nghiệm thậm chí có thể đi từ Trái đất đến sao Hỏa, cho thấy có khả năng nguồn gốc chúng ta bắt đầu từ ngoài Trái đất.

Để tìm hiểu cách vi khuẩn có thể chịu được sự khắc nghiệt của không gian, các nhà khoa học đã gửi các khối tế bào Deinococcal lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Khi đó, mẫu vật, đường kính khoảng 1mm, được gắn các tấm nhôm đặt bên ngoài trạm. Trong suốt ba năm, các mẫu vi khuẩn đã được gửi trở lại Trái đất từ không gian để nghiên cứu thêm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra là trong khi lớp bên ngoài của các khối bị tiêu diệt bởi bức xạ tia cực tím mạnh, các lớp bên trong vẫn sống sót. Về cơ bản, chúng đã được bảo vệ bởi các vi khuẩn chết ở lớp ngoài. Trong môi trường phòng thí nghiệm, chúng có thể sửa chữa các tổn thương DNA và thậm chí phát triển mạnh hơn nữa.

Các nhà nghiên cứu ước tính những vi khuẩn như vậy có thể tồn tại trong không gian đến 8 năm. Akihiko Yamagishi từ Đại học Dược và Khoa học Đời sống Tokyo ở Nhật Bản cho biết công trình của họ chứng minh rằng vi khuẩn không những có thể tồn tại trong không gian mà  đây còn có thể là nguồn gốc sự sống lan truyền khắp vũ trụ, thông qua quá trình panspermia.

Ông Yamagishi trả lời  báo New Scientist: “Nếu vi khuẩn có thể tồn tại trong không gian, chúng có thể được chuyển từ hành tinh này sang hành tinh khác. "Chúng tôi không biết sự sống xuất hiện lần đầu ở đâu. Nếu sự sống bắt nguồn trên Trái đất, nó có thể đã được chuyển đến sao Hỏa. Ngoài ra, nếu sự sống xuất hiện trên sao Hỏa, nó có thể đã được chuyển đến Trái đất ... nghĩa là chúng ta có nguồn gốc từ sao Hỏa. "

Liệu sự sống trên Trái đất có bắt nguồn từ trong không gian?

Trong thời gian đầu hình thành, Trái đất liên tục bị bắn phá bởi các thiên thạch. Nó cũng bị một hành tinh có kích thước bằng sao Hỏa tên là Theia va vào. Một số giả thuyết cho rằng hiện tượng này dẫn đến sự hình thành mặt trăng của chúng ta. Điều này xảy ra khoảng 4,5 tỷ năm trước và sự sống bắt đầu nảy mầm khoảng 4 tỷ năm trước. Có mối liên hệ nào giữa tất cả những va chạm này và sự tồn tại của chúng ta không? Khi tính đến tốc độ tiến hóa chậm chạp và sự xuất hiện tương đối nhanh của sự sống sau khi Trái đất nguội dần thì “panspermia” là một lời giải thích khả thi.

Một điều khác đáng suy nghĩ khi phát hiện hiện tượng "panspermia", nếu chúng ta khởi đầu là vi sinh vật từ hành tinh khác, chẳng phải sẽ có nhiều sự sống hơn trên khắp vũ trụ, có nguồn gốc tương tự như chúng ta sao? Rất có thể sự sống vũ trụ rất phong phú.