Một trong những thước đo độ phổ biến của các bài đăng mạng xã hội – lượt thích (like) – có thể trở thành quá khứ đối với Instagram. Facebook, công ty sở hữu Instagram, cho biết đây là động thái nhằm giảm tình trạng bắt nạt qua mạng trên nền tảng.
Dù vậy, động cơ của Facebook không đơn giản như thế. Theo 3 cựu nhân viên giấu tên, giả thuyết được lan truyền trong nội bộ hãng là ẩn lượt like sẽ tăng số lượng bài viết của mọi người vì họ cảm thấy bớt áp lực hơn.
Nhiều bài viết hơn đồng nghĩa người dùng dành nhiều thời gian hơn trên Instagram, từ đó tăng khả năng hiển thị quảng cáo. Instagram là một phần quan trọng đối với tương lai Facebook, nó cũng là ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất trong thanh thiếu niên và có 1 tỷ người dùng hàng tháng. Trong đó, 500 triệu người sử dụng tính năng Stories mỗi ngày. Instagram được định giá hơn 100 tỷ USD hay bằng 1/5 giá trị thị trường Facebook.
Giảm áp lực, chăm viết bài
Từ khi Facebook tuyên bố thử nghiệm ẩn lượt đếm like, Giám đốc Instagram Adam Mosseri luôn gán ghép nó với nỗ lực chống bắt nạt trực tuyến. Tại hội thảo Facebook F8 hồi tháng 4/2019, ông phát biểu họ làm như vậy để muốn mọi người không còn lo lắng về số lượt thích họ nhận được trên Instagram và dành nhiều thời gian hơn để kết nối với những người mà họ quan tâm. Trang tiếp theo trong bài thuyết trình ghi: “Dẫn đầu cuộc chiến chống bắt nạt trực tuyến”.
Ông nhiều lần nhắc tới động lực này của Facebook trong các sự kiện tiếp theo. Tuy nhiên, nghiên cứu riêng của mạng xã hội lại cho thấy ẩn lượt đếm like có tác dụng gia tăng số lượng bài viết Instagram.
Vài năm gần đây, khi nội dung Instagram trở nên bão hòa nhờ nhiều nhân vật có ảnh hưởng (influencer) – người được các nhãn hàng trả tiền để quảng bá sản phẩm, nền tảng bắt đầu chứng kiến việc người dùng xóa hoặc lưu trữ bài viết của mình nhiều hơn, đặc biệt là với các bài ít người thích.
Nhóm khoa học dữ liệu và tăng trưởng Facebook đưa ra giả thuyết thoát khỏi đếm like sẽ khiến người dùng cảm thấy bớt nhạy cảm hơn nếu bài viết của họ ít like, tạo động lực viết nhiều hơn. Một trong các cựu nhân viên nói rằng công ty bắt đầu thử nghiệm bỏ đếm like Instagram từ năm 2018, trước khi Mosseri nắm quyền.
Với thay đổi mới, mọi người không còn so sánh số lượt thích của mình với người khác nữa nhưng vẫn nhận được thông báo khi có ai đó thích bài viết. Thông báo vẫn phục vụ như công cụ để mọi người đăng bài thường xuyên hơn. Ngoài ra, mọi người trên Instagram có xu hướng bắt chước hành vi của bạn thân hay gia đình. Vì vậy, khi người dùng bắt đầu đăng nhiều nội dung gốc hơn, hiệu ứng lan tỏa sẽ được tạo ra.
Các chuyên gia bên ngoài cũng đồng tình với lý thuyết này. Theo Dylan Farella, Giám đốc mạng xã hội tại hãng tiếp thị influncer Talent Resources, bỏ lượt đếm like loại điều ngăn cản mọi người đăng bài nhiều hơn.
Mặt trái của quyết định trên là nó sẽ ảnh hưởng đến các influencer. Ngôi sao và người có ảnh hưởng kiếm lợi từ cái gọi là “động lượng like”, tức là một người có thể bấm like bài viết chỉ vì họ nhìn thấy bạn của họ like hay vì thấy số like cao đột biến và họ cũng muốn tham gia.
Khi loại bỏ bộ đếm like, động lượng này không còn nữa và từ đó giảm số lượt like họ cần để đáp ứng yêu cầu của nhãn hàng. Song, có lẽ Facebook cũng không quá lo lắng vì các đối thủ như Snapchat, TikTok, Twitter đều không có hệ sinh thái influencer phát triển như của mình nên influencer không có nhiều lựa chọn để bỏ sang.