Sự thật "phũ phàng" ẩn chứa đằng sau những bộ sạc điện thoại

Liệu rằng bộ sạc smartphone càng đắt tiền sẽ càng "xịn" và người dùng có nên dốc tiền cho phụ kiện này?

Thị trường củ sạc smartphone hiện nay vô cùng đa dạng với đủ loại mức giá, từ những lựa chọn siêu rẻ vài chục nghìn đồng đến những sản phẩm cao cấp giá lên đến hàng triệu. Nhiều người dùng băn khoăn liệu có phải cứ "tiền nào của nấy", củ sạc càng đắt thì càng tốt và an toàn cho pin? Hay những củ sạc giá rẻ thực sự là "kẻ giết người thầm lặng" đối với viên pin điện thoại quý giá? Cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Tại sao chất lượng củ sạc lại quan trọng?

Pin lithium-ion (Li-ion) bên trong điện thoại hoạt động dựa trên sự di chuyển của các ion. Quá trình sạc về cơ bản là "đẩy" các ion này trở lại vị trí ban đầu. Tốc độ của quá trình "đẩy" này lại cực kỳ quan trọng và điều này hoàn toàn do củ sạc quyết định.

Hãy tưởng tượng viên pin như một chiếc dạ dày. Một củ sạc kém chất lượng, không kiểm soát tốt dòng điện, có thể cố "nhồi" năng lượng vào pin quá nhanh và quá mạnh, tương tự như việc ăn bội thực. Hành động "ép" pin hoạt động quá sức này có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại từ chai pin, giảm tuổi thọ, cho đến nguy cơ nghiêm trọng hơn là hiện tượng quá nhiệt không kiểm soát, có thể dẫn đến phồng pin, cháy nổ.

Công nghệ "ẩn" trong những củ sạc tốt

Vậy điều gì làm nên một củ sạc tốt, thường có giá đắt đỏ hơn? Đó chính là việc tích hợp các công nghệ hiện đại và linh kiện chất lượng cao để "chăm sóc" viên pin. Một trong những công nghệ quan trọng nhất là USB Power Delivery (USB-PD). Nó cho phép củ sạc và điện thoại "nói chuyện" với nhau để xác định mức công suất và tốc độ sạc tối ưu, phù hợp nhất với tình trạng pin, giúp sạc nhanh nhưng vẫn an toàn, tránh quá nhiệt.

Ngoài ra, các mạch bảo vệ chống quá dòng, quá áp, đoản mạch... cũng là yếu tố then chốt thường chỉ có ở các sản phẩm chất lượng. Việc đầu tư vào những công nghệ và linh kiện này khiến giá thành củ sạc tốt không thể quá rẻ.

Mối nguy hiểm từ bộ sạc vô danh

Mối đe dọa lớn nhất không hẳn đến từ những củ sạc có thương hiệu giá rẻ, mà là từ những sản phẩm vô danh, hàng không nhãn mác được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử với giá chỉ vài chục nghìn đồng.

Những sản phẩm này thường bị cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, sử dụng linh kiện kém chất lượng và gần như chắc chắn thiếu vắng các tính năng an toàn quan trọng như USB-PD hay các mạch bảo vệ. Sử dụng chúng chẳng khác nào đánh cược với sự an toàn của điện thoại và chính bản thân.

Sạc

Sạc "dỏm" gây ra những hậu quả khôn lường.

Chính vì thế, hãy nhớ rằng không phải củ sạc giá rẻ nào cũng tệ, nhưng phần lớn củ sạc "dỏm" thì đều có giá rất mềm và hấp dẫn.

Khi nào bộ sạc đắt tiền trở nên lãng phí?

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn phải chạy theo những củ sạc đắt tiền nhất với công suất "khủng" hàng trăm Watt. Thực tế, đa số smartphone phổ biến hiện nay, kể cả các dòng flagship mới nhất như iPhone 16 Pro Max hay Samsung Galaxy S25 Ultra, đều có giới hạn công suất sạc nhận vào (lần lượt khoảng 35W và 45W). Việc sử dụng một củ sạc có công suất cao hơn mức này không mang lại lợi ích gì thêm về tốc độ sạc, mà chỉ gây lãng phí tiền bạc.

Cách lựa chọn bộ sạc hợp lý

Lựa chọn thông minh nhất là tìm đến các sản phẩm thuộc thương hiệu uy tín (như Anker, Ugreen, Belkin, ...), có công suất vừa đủ hoặc nhỉnh hơn một chút so với mức sạc tối đa mà điện thoại của bạn hỗ trợ, và được trang bị các công nghệ an toàn như USB-PD.

Hãy lựa chọn bộ sạc đến từ những thương hiệu uy tín.

Hãy lựa chọn bộ sạc đến từ những thương hiệu uy tín.

Hãy là một người tiêu dùng thông thái thông qua việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và cả túi tiền. Đặc biệt, tránh xa những củ sạc không rõ nguồn gốc giá rẻ bất thường. Thay vào đó, hãy đầu tư hợp lý vào một củ sạc chất lượng từ thương hiệu đáng tin cậy, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho thiết bị của bạn mà không nhất thiết phải chi trả quá nhiều tiền cho những công suất không cần thiết.