Tại quốc gia này, bạn được phép cứ hết giờ làm là "tắt máy", làm thêm giờ không được khuyến khích

Người dân quốc gia này đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong khi đảm bảo năng suất cao, làm việc hiệu quả, họ cũng tìm thấy sự thỏa mãn trong đời sống riêng tư.

Một khi bạn đi sâu vào văn hóa làm việc ở Đức, bạn sẽ khám phá ra một nền văn hóa công sở rõ ràng như pha lê của quốc gia này: Đúng giờ là điều tối quan trọng và đảm bảo năng suất hiệu quả của bản thân cũng như đồng nghiệp.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Đức trở thành nơi sinh sống ưa thích của những người nước ngoài trẻ tuổi, những người mong muốn phát triển sự nghiệp mà không bỏ lỡ cuộc sống riêng tư.

Sau đây là 4 văn hóa làm việc đặc biệt giúp người Đức làm được điều này.

Quy tắc số 1: Thời gian của người khác rất quý giá

Người Đức thích lập kế hoạch dài hạn, chọn bảo mật hơn tính tự phát. Trong văn hóa làm việc ở Đức, “giờ cao su” là một trong những tội lỗi lớn nhất.

Người Đức thực sự sống đúng với quan điểm rằng: Tuyệt đối đừng cư xử thiếu tôn trọng với thời gian của người khác. Nếu bạn đến muộn, bạn không chỉ lãng phí thời gian quý báu của mình, mà còn của cả đội nhóm.

Tại quốc gia này, bạn được phép cứ hết giờ làm là tắt máy, làm thêm giờ không được khuyến khích - Ảnh 1.

Vì vậy, trong các buổi họp, nhân viên ở Đức thường có mặt đông đủ trước 5 phút. Mọi người kiên nhẫn ngồi trên ghế, nhấp một ngụm cà phê và lặng lẽ chuẩn bị cho cuộc họp. Ai còn dở việc khác thì tiếp tục làm việc bằng laptop cá nhân hoặc điện thoại.

Hơn nữa, khái niệm “đúng giờ” áp dụng cho tất cả các phạm trù về thời gian. Các cuộc họp bắt đầu đúng giờ và cũng phải kết thúc đúng giờ. Chỉ trong một vài trường hợp khẩn cấp hiếm hoi, thời lượng cuộc họp mới kéo dài hơn dự kiến.

Quy tắc số 2: Hiệu quả là chìa khóa then chốt

Lao động Đức làm việc ngắn nhất thế giới với bình quân 26,3 tiếng/tuần, nghĩa là nếu mỗi ngày làm 8 tiếng thì người Đức chỉ làm 3 ngày và 2,3 tiếng mỗi tuần. Tuy nhiên, họ lại đứng thứ 8 thế giới về hiệu năng với GDP bình quân 65,5 USD/người/giờ.

Thậm chí tại những công ty lớn như Mercedes-Benz, các kỹ sư có thể lựa chọn làm 28 tiếng mỗi tuần (tương đương 5,6 tiếng mỗi ngày trừ thứ 7, Chủ nhật) trong vòng 2 năm, sau đó tăng lên 35 tiếng mỗi tuần tại tập đoàn.

Để đạt được điều này, văn hóa làm việc ở Đức cho phép nhân viên làm việc ít hơn và hiệu quả hơn. Chìa khóa then chốt chính là năng suất làm việc. Một khi ngồi vào bàn làm việc, họ cố gắng tập trung hết mức có thể, tránh xao nhãng và lãng phí thời gian. Đặc biệt trong các cuộc họp, mọi người đều nỗ lực đóng góp cho dự án một cách hiệu quả nhất có thể.

Tại quốc gia này, bạn được phép cứ hết giờ làm là tắt máy, làm thêm giờ không được khuyến khích - Ảnh 2.

Quy tắc số 3: Làm ra làm, chơi ra chơi

Văn hóa làm việc ở Đức vạch ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống riêng tư. Chắc chắn, đôi khi bạn có thể gặp gỡ đồng nghiệp sau giờ làm việc để đi “xả hơi” nhưng cuộc trò chuyện chắc chắn không xoay quanh công việc. Tại sao? Vì công việc chỉ để lại nơi làm việc. Khi đã kết thúc giờ làm, hãy nghỉ ngơi.

Người Đức luôn vạch ra một ranh giới rõ ràng cho công việc và cuộc sống riêng ngay từ trong tâm trí. Sau giờ tan làm, hầu hết mọi người đều dừng tay và rời khỏi văn phòng. Làm thêm giờ không được khuyến khích ở quốc gia này. Trong trường hợp bạn bắt buộc phải tăng ca thêm giờ, hãy dành thời gian để cân bằng lại vào một ngày khác.

Khoảnh khắc bạn tắt máy tính vào chiều thứ 6 và bước chân ra khỏi cửa văn phòng, đó là lúc cuối tuần bắt đầu, là thời gian để bạn hoàn toàn nghỉ ngơi và hồi sức sau 5 ngày làm việc vất vả.

Trong khi ở các nền văn hóa khác, sếp sẽ mong đợi hoặc yêu cầu bạn vẫn phải online vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, hễ sếp gọi thì dù đang đi chơi cũng phải “bật máy tính lên”. Còn với văn hóa làm việc ở Đức, điều này hiếm khi tồn tại. Trong các ngày nghỉ phép của mình, bạn cũng được sử dụng toàn bộ thời gian để nghỉ theo đúng nghĩa đen.

Tại quốc gia này, bạn được phép cứ hết giờ làm là tắt máy, làm thêm giờ không được khuyến khích - Ảnh 3.

Quy tắc số 4: Không có "tôi" trong nhóm

Nền tảng của văn hóa đạo đức làm việc của người Đức là gì? Tập trung vào hiệu suất chung của nhóm!

Nhiều người cho rằng, người Đức có xu hướng theo chủ nghĩa cá nhân hơn là chủ nghĩa tập thể, do đó, họ không có khả năng làm việc nhóm tốt. Suy nghĩ này hoàn toàn không đúng. Tinh thần đồng đội của quốc gia này thậm chí còn trở thành một phần của văn hóa làm việc.

Ngay khi một nhóm được thành lập, chủ nghĩa cá nhân sẽ được hạ thấp để ý thức cộng đồng nhanh chóng chiếm ưu thế. “Chúng ta” chính là cốt lõi, chứ không phải “tôi”.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người Đức thường đặt việc lắng nghe, thảo luận và tranh luận lên hàng đầu trong quá trình làm việc nhóm. Điều này sẽ giúp họ có thể cùng nhau đưa ra các chiến lược hiệu quả và mang lại hiệu quả tối đa cho tất cả mọi người. Làm việc theo nhóm thực sự là một trong những tài sản quý tại các công ty Đức.

Bằng cách này, tinh thần trách nhiệm của mỗi nhân viên sẽ được nâng cao. Mỗi cá nhân đều ý thức được rằng, chỉ cần một người không hoàn thành nhiệm vụ của mình, cả đội nhóm đều phải chịu hậu quả. Do đó, họ nỗ lực hợp tác với nhau để thúc đẩy công việc trơn tru, thuận lợi hơn.

*Theo Housinganywhere