Tại sao không có “phong sát” hay “cấm sóng” nghệ sĩ tại Việt Nam?

Việt Nam không dùng các cụm từ “phong sát” hay “cấm sóng” nghệ sĩ vi phạm pháp luật.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa diễn ra ngày 5/5, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ TT&TT) cho biết, từ trước tới nay, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chưa bao giờ sử dụng cụm từ “phong sát” hay “cấm sóng” nghệ sĩ.

Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023 diễn ra cuối năm 2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã nêu rõ: Qua nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước gần với nước ta, như Trung Quốc, Hàn Quốc có sử dụng biện pháp "phong sát", "tẩy chay", "cấm sóng" nghệ sĩ vi phạm.

Tuy nhiên, áp dụng vào Việt Nam, Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quan điểm là hạn chế hình ảnh những nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động biểu diễn.

Theo ông Lê Quang Tự Do, sở dĩ Việt Nam không dùng các cụm từ “phong sát” hay “cấm sóng”, là bởi khi dùng các từ này sẽ coi như một quy định pháp luật. Theo luật pháp Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân, nội dung bị cấm phải được đưa vào luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TT&TT dự kiến sử dụng một biện pháp mềm, đó là vận động các cơ quan báo chí, cơ quan tổ chức sự kiện ủng hộ nhà nước, cùng chung tay làm sạch môi trường hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể, không cổ vũ, không khuyến khích, không mời những nghệ sĩ có vi phạm về đạo đức, có lối sống lệch chuẩn theo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.