Samsung Galaxy Z Flip là chiếc smartphone đầu tiên trên Thế giới được sử dụng 'kính gập', khi những sản phẩm có màn hình gập trước đây đều phải áp dụng nhựa dẻo. Theo các nhà phân tích, thì thành phần kính gập này sẽ là công nghệ rất quan trọng đối với thị trường smartphone trong tương lai.
Galaxy Z Flip
Kính gập không thể gập hoàn toàn, chỉ là có thể bẻ cong nhiều hơn bình thường mà thôi!
Gọi kính gập là 'kính gập' thì cũng không đúng lắm. Những loại được sử dụng trên smartphone màn hình gập không thể gập phẳng một cách hoàn toàn giống như một tờ giấy. Thay vào đó, kính gập chỉ có thể bẻ cong đến một ngưỡng nhất định mà thôi.
Nếu được cầm Galaxy Z Flip trên tay, bạn sẽ thấy rằng khi đóng vào sản phẩm này vẫn tạo ra 1 khoảng trống ở giữa màn hình. Phần viền màn hình được làm dày hơn so với bình thường, tránh việc 2 phần kính đập vào nhau gây hỏng hóc. Về bản chất, kính gập vẫn có cấu tạo như những loại kính thông thường, chỉ là được làm mỏng đến mức có thể bẻ cong được hàng trăm, hàng ngàn lần nhưng không bị vỡ, gãy.
Đây không phải là công nghệ mới hoàn toàn mới
Thử nghiệm bẻ cong kính với độ dày 75µm, 200 ngàn lần với khoảng cách 5mm
Hiện tại có rất nhiều công ty đang đầu tư phát triển kính gập, Samsung có vẻ như đã nhập sản phẩm này từ một công ty Hàn Quốc khác mang tên DooWoo để sử dụng trong Galaxy Z Flip. Corning Glass, là hãng sản xuất sản phẩm kính cường lực Gorilla Glass đang được sử dụng ở rất nhiều smartphone khác nhau trên thị trường cũng đang thử nghiệm với kính gập mang tên 'Kính lá liễu'.
Sự thật là công nghệ kính gập không phải đến nay mới được phát triển. Claudio Mazzali - đại diện cấp cao của Corning nói rằng hãng này đã có khả năng sản xuất kính gập từ 50 năm trước. Hãng làm kính gập từ nguyên liệu giống với lõi của cáp quang, với khả năng gập 90 độ và sau đó có thể trở lại hình dạng đầu mà không có biến dạng.
Mặc dù kính gập không hề mới, điều các hãng cần làm trong thời điểm hiện nay là giảm được độ dày của chúng. Càng giảm được độ dày, kính càng có thể gập được với góc lớn hơn và từ đó thu nhỏ được khoảng trống khi smartphone đóng vào.
Áp dụng kính gập vào smartphone
Để có thể gập được với khoảng trống nhỏ, kính gập phải được làm ngày càng mỏng hơn. Vậy làm thế nào để loại kính này có khả năng chống xước, chống vỡ bằng được với những loại kính 'phẳng' thông thường hiện nay? Có lẽ nhiều người không biết rằng, loại kính Gorilla Glass trong nhiều loại smartphone thậm chí còn cứng hơn cả kim loại, với khả năng chống xước, vỡ rất tốt.
John Bayne, một kỹ sư tại Corning chia sẻ những khó khăn với trang Wired: "Việc phát triển kính gập dành cho smartphone giống như đang thách thức những định luật vật lý. Làm kính phải thật mỏng nhưng có thể sống sót sau những lần người dùng làm rơi máy, cũng như bền bỉ trong quá trình sử dụng hàng ngày."
Theo anh Bayne, Corning cũng đang thử nghiệm áp dụng quá trình ion-hóa vào kính gập, hiện đang được sử dụng để tăng độ bền trong những loại kính phẳng Gorilla Glass, nhưng cũng có nguy cơ làm giảm khả năng bẻ cong của nó.
Corning cho rằng kính gập sẽ được áp dụng rộng rãi vào smartphone trong một vài năm tới khi công nghệ này được phát triển toàn diện. Vậy các hãng sẽ có thể làm gì để tăng chất lượng của chúng trong thời gian này? Có lẽ họ sẽ không công bố công khai đâu vì đây là bí mật công nghệ.
Tại sao công nghệ này rất quan trọng trong tương lai
Khi ra mắt chiếc Galaxy Z Flip, Samsung nói rằng việc áp dụng được kính vào smartphone màn hình gập là một bước tiến 'nhảy vọt', và đây không phải là lời miêu tả sai. Những sản phẩm trước đây như Galaxy Fold, Motorola Razr hay laptop Thinkpad X1 Fold đều phải sử dụng nhựa dẻo để bảo vệ màn hình. Nhựa dẻo có độ bền rất thấp, chỉ với móng tay người dùng đã có thể gây ra những vết xước vĩnh viễn.
Bỏ vấn đề độ bền qua một bên, cảm giác sử dụng nhựa cũng hoàn toàn khác so với kính, người dùng di tay sẽ có cảm giác 'lì' hơn, khó sử dụng hơn. Motorola cũng nói rằng việc màn hình Razr xuất hiện những đường viền, bong bóng nổi lên trong quá trình sử dụng là điều bình thường. Với màn hình kính, không có chuyện màn hình sẽ có những đường viền hay bong bóng nổi lên, đây là lý do tại sao tất cả những smartphone truyền thống đều sử dụng kính.
Trong tương lai, tất cả các hãng smartphone sẽ chuyển qua thiết kế những sản phẩm màn hình gập, và chắc chắn kính gập sẽ là công nghệ then chốt để loại thiết bị này có thể phát triển được.