Gần đây, việc CEO của Telegram, Pavel Durov, bị bắt giữ tại Pháp đã gây chấn động cộng đồng công nghệ. Các cáo buộc chống lại Durov liên quan đến việc không kiểm soát hiệu quả các hoạt động tội phạm trên nền tảng của mình, bao gồm rửa tiền, buôn bán ma túy và tấn công mạng. Sự kiện này đã khơi dậy mối quan tâm về việc liệu Telegram có thực sự trở thành một nền tảng phổ biến cho các hoạt động tội phạm mạng hay không.
Thực tế, Telegram từ lâu đã là một đối tượng bị chỉ trích bởi các chính phủ phương Tây, do tính bảo mật cao và thiếu kiểm duyệt nội dung. Chính sách bảo mật của Telegram đã khiến nền tảng này trở thành môi trường thuận lợi cho các hoạt động phi pháp. Những hoạt động đó bao gồm buôn bán ma túy, truyền bá thông tin sai lệch, và thậm chí là tuyên truyền khủng bố
Bên cạnh đó, Telegram còn bị chỉ trích vì không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật. Trong khi các nền tảng khác như WhatsApp thường xuyên báo cáo các hoạt động nghi ngờ đến cơ quan chức năng, Telegram lại gần như hoàn toàn im lặng. Điều này càng làm tăng lo ngại rằng Telegram đang trở thành "thiên đường" cho các hoạt động tội phạm mạng.
Tuy nhiên, việc đưa ra con số chính xác về số lượng tội phạm mạng hoạt động trên nền tảng này là một thách thức do tính bảo mật và ẩn danh mà Telegram cung cấp. Chỉ một số ít nghiên cứu như của Stanford Internet Observatory, cho thấy Telegram ít an toàn hơn và chính sách kiểm duyệt lỏng lẻo của nó đã tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp diễn ra mà không bị kiểm soát.
Trước đó, Bộ Tư pháp Đức từng cho biết, Telegram đã bị phạt 5 triệu USD vì không tuân thủ các yêu cầu pháp lý về việc thiết lập cơ chế báo cáo nội dung bất hợp pháp. Mặc dù các báo cáo không đưa ra con số cụ thể về số lượng tội phạm mạng hoạt động trên Telegram, nhưng các bằng chứng từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy rằng nền tảng này đang gặp vấn đề nghiêm trọng với các hoạt động phi pháp.
Về phần mình, Telegram đã lên tiếng thanh minh, khẳng định rằng họ tuân thủ luật pháp của Liên minh Châu Âu và đang không ngừng cải thiện khả năng kiểm duyệt nội dung của mình. Công ty cũng cho rằng việc bắt giữ Durov là "phi lý" và không có cơ sở, nhấn mạnh rằng họ không chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc sử dụng sai mục đích của nền tảng.
Những diễn biến này cho thấy đang có một cuộc tranh luận lớn về quyền riêng tư, tự do ngôn luận và trách nhiệm của các nền tảng kỹ thuật số trong việc kiểm soát nội dung và ngăn chặn tội phạm mạng. Trong bối cảnh này, Telegram tiếp tục là một nền tảng gây tranh cãi và sẽ cần phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các chính phủ và cộng đồng quốc tế.