Hiện nay, các nhà mạng tại Việt Nam đang sử dụng bốn công nghệ mạng di động mặt đất, bao gồm mạng 2G (GSM) triển khai từ năm 1990, mạng 3G (IMT 2000) triển khai từ năm 2009, mạng 4G (LTE-A) triển khai từ năm 2016 và mạng 5G.
Việc tắt mạng 2G sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế cho các nhà mạng, bởi lẽ công nghệ càng cũ thì càng tiêu tốn nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, việc này còn thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, smart city (thành phố thông minh) và chính quyền điện tử.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, Việt Nam hiện đang có khoảng 93 triệu thuê bao sử dụng smartphone và khoảng 10 triệu thuê bao sử dụng điện thoại phổ thông, tính đến tháng 3-2022. Dự kiến khi lượng thuê bao sử dụng mạng 2G còn khoảng 5% sẽ là thời điểm phù hợp để tắt sóng 2G.
Đến thời điểm hiện tại, một số nhà mạng đã bắt đầu tắt bớt các trạm 2G có lưu lượng thấp và đưa ra nhiều khuyến mãi nhằm khuyến khích người dùng chuyển sang sử dụng SIM 4G.
Để chuẩn bị cho việc tắt sóng, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 43 về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến” (có hiệu lực từ ngày 1-7-2021).
Theo đó, tất cả điện thoại nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên, điều này nhằm mục đích phổ cập smartphone vào năm 2025 và ngừng phát sóng 2G để triển khai các công nghệ mới.
Tại sự kiện ITU Digital World 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết người dùng điện thoại 2G sẽ được hỗ trợ chuyển sang smartphone 4G, sẵn sàng kết nối Internet vào năm 2023.
Cụ thể, chủ trương này đã được đưa vào dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025, dự kiến hỗ trợ 2,1 triệu smartphone cho các hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước.
Trước đó không lâu, nhà mạng AT&T cũng đã chính thức ngừng cung cấp mạng 3G tại Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc một số thiết bị và dịch vụ sẽ không thể tiếp tục hoạt động. Tương tự, nhà mạng T-Mobile và Verizon cũng sẽ thực hiện việc này vào ngày 31-3 và 31-12.