Để chuẩn bị cho hành trình đổ bộ lên sao Hỏa, NASA đã phóng tàu thăm dò lên hành tinh đỏ vào 3 tháng trước. Hiện tại, con tàu đã đi được nửa chặng đường.
Con tàu này mang theo một robot tự hành có tên là Perseverance, với nhiệm vụ thăm dò, tìm hiểu về hành tinh này trong nhiều năm. Tàu xuất phát từ bang Florida, Mỹ vào ngày 30/7.
Nhóm điều hành nhiệm vụ tại NASA thông báo, con tàu đã bay 235 triệu km, tương đương nửa chặng đường tới sao Hỏa lúc 3h40 ngày 28/10. Tới hiện tại, nó đã hoàn tất đúng một nửa hành trình, tức là 235 triệu Km.
Sau một hành trình dài hơi tiếp theo, nó sẽ bay trong 3 tháng nữa để tiếp cận quỹ đạo sao Hỏa, và tiến hành các thao tác đo đạc rồi hạ cánh. Dự kiến, vào ngày 18/2/2021, tàu sẽ hạ cánh xuống sao Hỏa để bắt đầu quá trình nghiên cứu.
Địa điểm được chọn để đáp là hố trũng Jezero. Đây là một vùng có chiều rộng 45 Km, từng là một hồ nước rộng, nơi nguồn nước trên sao Hỏa đổ về. Nghiên cứu về địa hình, địa chất của vùng này sẽ giúp các nhà khoa học mở mang hiểu biết về quá khứ của hành tinh này cách đây hàng tỉ năm, vì sao nước lại biến mất tại đây.
Robot tự hành Perseverance có kích thước tương đương một chiếc ôtô. Nó có khả năng nghiên cứu địa chất, khí hậu và tìm kiếm các dấu hiệu sự sống. Robot này có 6 bánh xe, một cánh tay Robot với mũi khoan mạnh, có khả năng khoan sâu xuống các lớp đất đá để lấy mẫu vật. Nó có thể thu được rất nhiều mẫu vật và cất giữ, sau đó chờ đợi được chuyển về Trái Đất trong một sứ mệnh khác dự kiến vào năm 2031.
Ngoài ra, robot Perseverance còn mang theo một máy bay không người lái loại nhỏ có tên là Ingenuity. Đây là thiết bị sẽ giúp các nhà khoa học bay và khám phá bề mặt của hành tinh đỏ ở một tầm rộng hơn.
Robot tự hành Perseverance.
Theo thông tin của máy tính, các thiết bị trên tàu vẫn hoạt động tốt, đặc biệt là các thiết bị khoa học. Đây là một tin vui cho các nhà khoa học trong bối cảnh họ cũng đang phải làm việc từ xa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.