Cuộc điều tra của ESA kết luận nguyên nhân của sự cố là "kẻ tấn công từ bóng tối": Các tia vũ trụ.
Cũng theo ESA, Euclid, biệt danh "thám tử vũ trụ tối", hiện đã đi đúng hướng sau khi tìm được vị trí các ngôi sao dẫn đường mà trước đó nó đã xác định sai.
Euclid khởi hành từ ngày 1-4 và bay đến điểm Lagrange, một điểm cân bằng và ổn định tương tác hấp dẫn trong hệ Trái Đất - Mặt Trời, nơi nó có được một vị trí an toàn để thực hiện các quan sát ở góc nhìn thuận lợi nhất.
Tuy nhiên những ngày đầu tiên sau vụ phóng hồi ngày 1-7, đường bay của Euclid đã khiến các nhà khoa học bối rối: Nó bay điên đảo khắp bầu trời, tạo nên những chiếc thòng lọng rối tung trên không trung.
Theo Live Science, ESA cho biết cảm biến dẫn đường của "thám tử vũ trụ tối" đã gặp trục trặc do sự bắn phá của các tia vũ trụ trong giai đoạn Mặt Trời hoạt động mạnh. Chưa kể ánh sáng "đi lạc" và tia X của Mặt Trời đã gây nhiễu liên tục cho con tàu.
Kết quả là Euclid không thể nhận biết đúng các ngôi sao dẫn đường mà nó đã được lập trình phải đi theo, do đó bay một cách rối loạn.
Các nhà khoa học ESA đã tạo ra một bản vá phần mềm. Sau khi được cập nhật và trải qua 10 ngày thử nghiệm, Cảm biến Hướng dẫn tinh tế của tàu vũ trụ này đã hoạt động bình thường.
"Thám tử vũ trụ tối" Euclid sẽ có nhiệm vụ kiểm tra khoảng 1/3 bầu trời trên Trái Đất và nhìn lại hơn 10 tỉ năm lịch sử vũ trụ, lập bản đồ các mô hình 3D của thiên hà để xem vũ trụ 13,8 tỉ năm tuổi của chúng ta đã hình thành như thế nào, vai trò vật chất tối là gì trong sự tiến hóa này.
Euclid cũng sẽ xem xét sự xáo trộn thiên hà trên quy mô lớn để thấy được ảnh hưởng của năng lượng tối trong việc đẩy các thiên hà ra xa ngày một nhanh hơn trong quá trình giãn nở vũ trụ.