Theo thông cáo báo chí được đăng tải trên X, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tàu đổ bộ SLIM của họ đã đổ bộ Mặt Trăng một cách nhẹ nhàng vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 20-1 (giờ địa phương, tương ứng 2 giờ 20 phút sáng cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Sự kiện này đã biến Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới có tàu vũ trụ hạ cánh thành công trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, sau Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tàu SLIM ra mắt vào tháng 9-2023, cùng với kính viễn vọng không gian tia X XRISM. Trước nỗ lực đổ bộ Mặt Trăng, SLIM từng hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất và gửi về các dữ liệu quý giá.
Đúng như dự kiến, tàu đổ bộ này đã đi một chặng đường dài, vòng quanh Mặt Trăng trước khi đổ bộ vào khu vực Mare Nectaris cách xích đạo khoảng 15 độ về phía Nam.
Nhiệm vụ của nó là cung cấp những hiểu biết về thành phần của khu vực, từ đó làm sáng tỏ sự hình thành và tiến hóa của thiên thể.
SLIM cũng đã triển khai thành công hai robot tự hành nhỏ là một máy bay hình chiếc phễu và một máy bay hình quả bóng, tên là LEV-1 và LEV-2.
Tuy nhiên, sự cố nghiêm trọng lập tức được ghi nhận ngay sau khi đổ bộ: Các tấm pin Mặt Trời của SLIM đã không thể hoạt động như dự kiến.
Theo Space.com, các quan chức JAXA cho biết vẫn đang tìm hiểu và khắc phục sự cố về điện này. Vẫn chưa rõ vì sao pin Mặt Trời đã hoạt động, nhưng khả năng chúng bị hỏng là thấp. Rất có thể tàu đổ bộ đã không hướng về phía Mặt Trời như mong đợi.
JAXA vẫn đang nỗ lực khắc phục. Trong tình huống xấu nhất, SLIM có thể im lặng vĩnh viễn trong vài giờ tới khi nguồn năng lượng dự trữ cạn dần.
Đổ bộ Mặt Trăng chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng
Trong số tàu các nước đã đổ bộ Mặt Trăng, Trung Quốc và Ấn Độ vừa đạt được thành công vào năm 2013 và 2023, trong khi Nga - Mỹ đã làm điều này từ hơn nửa thế kỷ trước.
Tuy vậy, trong vài năm gần đây, liên tiếp 4 tàu của Israel - Nhật - Nga - Mỹ đã thất bại.
Tàu Israel - Nhật - Nga gặp sự cố khi hạ cánh, đâm thẳng vào Mặt Trăng và vỡ tan, còn tàu Mỹ thậm chí chưa bay tới quỹ đạo của thiên thể này đã phải quay lại "tự sát" trong khí quyển Trái Đất hôm 19-1 do rò rỉ nhiên liệu.