Theo tờ Space, hàng ngàn mảnh vụn cực kỳ nguy hiểm cho các tàu vũ trụ và các thiết bị không gian đang hoạt động khác suýt nữa đã bắn tung khắp vùng quỹ đạo thấp của Trái Đất, nếu như hai mảnh rác vũ trụ lớn là một thân tên lửa và một vệ tinh "chết" không sượt qua nhau chỉ trong "đường tơ kẽ tóc".
Cụ thể, theo công ty giám sát vệ tinh và phát hiện va chạm LeoLabs, hai mảnh rác vũ trụ đã trượt qua nhau với biên độ cực kỳ nhỏ là 6 mét.
Chúng là một thân tên lửa và một vệ tinh gián điệp - Komos-3 và Cosmos 2361 của Liên Xô cũ - đã ngừng hoạt động từ lâu.
Komos-3 là loại tên lửa được sử dụng bởi Liên Xô - Nga từ những năm 1964 đến 2009, tuy nhiên cái suýt va chạm được cho là đã rất cũ. Trong khí đó Cosmos 2361 là một vệ tinh gián điệp được thiết kế để đánh chặn các tín hiệu điện tử như liên lạc vô tuyến và làm nhiễu radar.
Sự cố xảy ra tại khu vực mà LeoLabs gọi là "khu phố tồi tệ" trong vùng không gian gọi là LEO, kéo dài từ độ cao 950 đến 1.050 km kể từ mặt đất, với rất nhiều vật thể đã hết sử dụng, vô chủ, bị bỏ rơi nhiều năm nay trên quỹ đạo.
Chúng tạo thành một đống rác khổng lồ trên không gian và vô cùng nguy hiểm bởi nếu 2 mảnh rác vũ trụ chạm nhau, chúng sẽ bắn ra vô số mảnh vỡ, vốn có thể tạo thảm họa. Tàu Soyuz của Nga bị rò rỉ hồi cuối năm ngoái cũng bị nghi ngờ là do một thiên thạch hay một mảnh rác nhỏ va chạm vào, theo kết luận của Roscosmos và NASA (cơ quan vũ trụ của Nga - Mỹ).
LeoLabs thống kê đã có 1.400 cú "suýt va chạm" trong khu vực này chỉ tính riêng khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022.
Những sự cố này nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến lược mới nhằm loại bỏ rác vũ trụ khỏi LEO cũng như các khu vực khác phía bên trên bầu khí quyển Trái Đất. Theo NASA hiện có gần 30.000 mảnh vụn khác nằm trên quỹ đạo mà Bọ Quốc phòng Mỹ đang theo dõi, nhưng còn rất nhiều mảnh khác đang ẩn nấp, quá nhỏ để phát hiện nhưng vẫn đủ gây nguy hiểm.