Thanh niên Ấn Độ mở khóa tính năng trợ thính của AirPods bằng lò vi sóng

Hacker công nghệ này đã thành công khi "lừa" được thiết bị của Apple rằng nó đang ở Mỹ và mở khóa tính năng trợ thính cho AirPods Pro tại Ấn Độ.

Tại Ấn Độ, Rithwik Jayasimha - một thanh niên đam mê công nghệ đã quyết định mua cặp AirPods Pro 2 cho bà của mình, người đang gặp khó khăn về thính giác. Anh biết rằng thiết bị này có tính năng trợ thính, nhưng nhanh chóng phát hiện ra rằng tính năng này bị chặn theo địa lý tại Ấn Độ do các quy định hiện hành.

Không nản lòng, Jayasimha cùng với team công nghệ của anh, có tên Lagrange Point, đã tìm ra giải pháp sáng tạo. Họ chế tạo một lồng Faraday và sử dụng lò vi sóng để "đánh lừa" vị trí địa lý, từ đó mở khóa tính năng máy trợ thính trên tai nghe. Theo Jayasimha, giá máy trợ thính tại Ấn Độ thường trên 15 triệu đồng, trong khi AirPods Pro 2 chỉ khoảng 7 triệu đồng, trở thành lựa chọn hợp lý cho những người có vấn đề về thính giác.

Để sử dụng AirPods Pro 2 như máy trợ thính, người dùng cần ở một quốc gia không bị chặn tính năng này, sử dụng iOS hoặc iPadOS 18.1 trở lên, và đảm bảo tai nghe có firmware 7B19 trở lên. Mặc dù Jayasimha đã có đủ phần cứng và phần mềm, nhưng vấn đề địa lý vẫn là rào cản lớn. Họ đã cố gắng giả mạo vị trí IP và ngôn ngữ của iPad, nhưng thiết bị vẫn nhận diện được vị trí thực tại Ấn Độ.

Những công cụ được Jayasimha dùng để 

Những công cụ được Jayasimha dùng để "hack" địa lý dành cho iPad.

Sau nhiều thử nghiệm, một thành viên trong Lagrange Point phát hiện rằng iPad sử dụng SSID và địa chỉ MAC của các bộ định tuyến Wi-Fi xung quanh để xác định vị trí. Do đó, họ quyết định đặt iPad và một bo mạch ESP32, có khả năng giả lập hàng trăm SSID Wi-Fi ở Menlo Park, California, vào trong một lồng Faraday tạm thời. Bên dưới, họ đặt một lò vi sóng hoạt động hết công suất để làm nhiễu tín hiệu Wi-Fi địa phương.

Lò vi sóng phát ra sóng điện từ mạnh ở tần số 2.4 GHz, trùng với tần số Wi-Fi, giúp nhóm ngăn chặn iPad phát hiện các tín hiệu Wi-Fi thực xung quanh. Nhờ đó, iPad chỉ nhận diện các SSID giả từ bo mạch ESP32, khiến thiết bị tin rằng nó đang ở Menlo Park, California.

Sau quá trình

Sau quá trình "hack", chiếc iPad vẫn tin rằng nó đang ở Menlo Park, California.

Sau khi chạy một tập lệnh trên MacBook để khởi động lại iPad, nhóm đã thành công sau nhiều lần thử nghiệm. Khi iPad được đưa ra khỏi lồng Faraday, nó vẫn "nhớ" thông tin về các SSID và địa chỉ MAC giả, cho rằng mình đang ở California. Cơ sở dữ liệu vị trí của Apple đã lưu lại thông tin này, và khi quá trình cài đặt hoàn tất, AirPods sẽ tiếp tục hoạt động như thể đang ở Mỹ.

Sau khi tìm ra quy trình, nhóm đã cải tiến lồng Faraday và bắt đầu cung cấp dịch vụ mở khóa máy trợ thính, giúp người dân ở Bengaluru có cơ hội tiếp cận tính năng hữu ích này.