Thanh toán thẻ, QR code và đặt đồ ăn online tăng mạnh hậu COVID-19

Xu hướng sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể.
Chia sẻ

Thanh toán thẻ và QR code tăng mạnh

Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 91% doanh nghiệp F&B bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng trong 2 năm dịch COVID-19 là 2020 - 2021. Mãi đến quý I/2022, thị trường F&B mới thực sự hồi phục trở lại. Số liệu thống kê ngành F&B từ nền tảng thanh toán Payoo cho thấy, tính đến hết quý I/2022, doanh thu ngành này đã tăng gấp rưỡi so với quý IV/2021, và tổng số lượng giao dịch tăng 24% so với quý trước đó.

Thanh toán thẻ, QR code và đặt đồ ăn online tăng mạnh hậu COVID-19 - 1
Thanh toán thẻ, QR code và đặt đồ ăn online tăng mạnh hậu COVID-19 - 2

Dự kiến trong quý II/2022, ngành F&B sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa. Số liệu doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 4/2022 cũng phần nào phản ánh xu hướng này, khi mức tăng trưởng đạt gần 40% so với cùng kỳ quý I/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý IV/2021.

Một số tổ chức quốc tế và trong nước cũng dự báo, ngành F&B có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021 - 2026. Trong khi đó, VNDirect cũng cho rằng, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, từ 10 - 12% so với cùng kỳ.

Còn theo một khảo sát của Mastercard, 84% người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận thấy việc tiếp cận các hình thức thanh toán mới nổi đã tăng lên đáng kể. Trong đó, có đến 88% đã sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi trong năm ngoái; 2/3 số người được khảo sát (75% thuộc thế hệ Y) đã thử các phương thức thanh toán mới mà họ nghĩ rằng mình sẽ không sử dụng nếu không có đại dịch. 

Ở Việt Nam, theo số liệu được thống kê trên mạng lưới đối tác F&B của Payoo, các nguồn thanh toán phổ biến là thẻ (thẻ nội địa và thẻ quốc tế) chiếm 85%, QR code qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng chiếm 15%. Trong nguồn thanh toán thẻ, hình thức thanh toán không tiếp xúc có xu hướng tăng cao.

Ứng dụng đặt đồ ăn lên ngôi

Cũng liên quan tới lĩnh vực F&B, số liệu từ báo cáo mới nhất của Gojek cho thấy, trong quý I/2022, lượng người dùng đặt món trên nền tảng GoFood đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 - trong đó, tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội lên tới 220%. Cũng theo báo cáo này, lượng người dùng mới tăng mạnh ở cả 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM, lần lượt đạt hơn 160% và 80%.

Thanh toán thẻ, QR code và đặt đồ ăn online tăng mạnh hậu COVID-19 - 3

Các dịch vụ đặt hàng qua mạng tăng trưởng mạnh. (Ảnh minh họa)

Nhận định thị trường, Gojek cho rằng, người dùng đã mua đồ ăn qua nền tảng trực tuyến nhiều hơn, tăng cường đặt đồ ăn sáng và giảm tần suất đặt đồ ăn khuya. Trung bình mỗi khách hàng cứ 5 ngày lại đặt 1 đơn đồ ăn GoFood trong quý I/2022.

So với quý I/2021, quý I/2022 ghi nhận lượng đơn đặt hàng vào bữa sáng tăng 2,5 lần; tiếp đến là bữa xế, bữa trưa và bữa tối đều có mức tăng gấp đôi. Các đơn hàng cho bữa khuya tăng trưởng với tốc độ chậm nhất, nhưng vẫn đạt mức hơn 30%.

Trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh mục đồ uống được đặt hàng nhiều nhất trên GoFood tại cả Hà Nội và TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, lần đầu tiên cà phê sữa đá (nâu đá) lọt vào danh sách các đồ uống được đặt hàng nhiều nhất trên GoFood tại cả hai thành phố nói trên.

Đa số các món ăn được đặt nhiều nhất trên nền tảng GoFood là các món thuần Việt, như cơm gà, gỏi cuốn, bún, mì,... Một dữ liệu thú vị là món bún đậu vốn được coi là món ăn của miền Bắc, lại đứng đầu danh sách GoFood tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2022; trong khi món ăn được ưa chuộng nhất tại Hà Nội là món nem nướng Nha Trang, kế đến là bún đậu và bún bò.

Đơn hàng gần nhất chỉ có khoảng cách 10m, ghi nhận tại cả Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đơn hàng xa nhất lên tới 24km (TP.HCM) và 23km (tại Hà Nội). Đơn hàng xa nhất và có giá trị nhỏ nhất là một đơn bún bò trộn Nam Bộ giá 42.000 đồng, đi 19km từ Hoàng Mai đến Gia Lâm (Hà Nội).