Thấy gì từ đòn phản công của Trung Quốc dành cho ngành chip Mỹ?

Một trong những lý do khiến Micron rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc là chip của công ty này dễ dàng bị thay thế bằng sản phẩm của các đối thủ như Samsung và SK Hynix.

Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) hôm 21/5 thông báo rằng nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất của Mỹ Micron đã gây ra rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc. Do đó, cơ quan này đã ra lệnh cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia ngừng mua sản phẩm của công ty này.

Động thái này diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài 7 tuần về Micron của CAC, một động thái được nhiều người coi là sự trả đũa đối với những nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ quan trọng.

Bộ thương mại Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ hành động mà họ cho là “không có cơ sở thực tế”. Bộ này cho biết, sẽ làm việc với chính quyền Trung Quốc để làm rõ sự vụ.

“Rung cây dọa khỉ”

Quyết định của CAC được đưa ra 7 tuần sau khi cơ quan quản lý Trung Quốc bắt đầu đánh giá rủi ro an ninh mạng đối với các sản phẩm của Micron, một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất tại Mỹ với hơn 10% doanh thu từ Trung Quốc.

Đây là một động thái mạnh mẽ trong cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới về quyền tiếp cận công nghệ quan trọng.

Kể từ tháng 10/2022, Washington đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu sâu rộng đối với chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ quan trọng cho mục đích quân sự.

Chip là trung tâm trong nỗ lực trở thành siêu cường công nghệ của Bắc Kinh. Trung Quốc có các nhà sản xuất chip của riêng mình, nhưng quốc gia này chủ yếu cung cấp các bộ vi xử lý từ thấp đến trung cấp được sử dụng trong các thiết bị gia dụng và xe điện.

Cuộc điều tra của Trung Quốc đối với Micron diễn ra vào thời điểm quốc gia này bị Mỹ và các đồng minh bao vây trên mọi mặt của thị trường bán dẫn, ngay cả khi Bắc Kinh thúc đẩy nỗ lực tự cung tự cấp nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ do Mỹ sản xuất.

Theo ông Wang Lifu, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu chất bán dẫn ICwise có trụ sở tại Thượng Hải, động thái của Trung Quốc nhằm “gửi một tín hiệu cảnh báo” tới các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hai quốc gia này, cùng với Đài Loan (Trung Quốc) đã tham gia Liên minh Chip 4 do Mỹ đứng đầu. Bắc Kinh coi liên minh này là âm mưu của Washington nhằm loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Các quan chức cấp cao của nhóm này đã tổ chức cuộc họp online đầu tiên vào tháng 2 để thảo luận về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, Hàn Quốc dự kiến sẽ chú ý đến đánh giá an ninh mạng của CAC đối với Micron, theo ông Wang. Cuộc điều tra được cho là một dấu hiệu cảnh báo rằng quốc gia này không nên “theo chân” Mỹ, bởi 2 nhà nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của họ là Samsung Electronics và SK Hynix vẫn có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, ông Wang nhận định.

Ngoài ra, nó cũng là lời cảnh tỉnh đối với Hà Lan, quốc gia vừa “vào hùa” với Nhật Bản và Mỹ hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc nhằm cắt đứt tham vọng xây dựng năng lực chip nội địa của Bắc Kinh.

Tại sao lại là Micron?

Trước khi công bố việc đánh giá an ninh mạng của Micron, Bắc Kinh chưa từng thực hiện bất kỳ động thái quan trọng nào để đáp trả Mỹ dù quốc gia này đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia.

Theo nhà phân tích Wang Lifu tại công ty nghiên cứu bán dẫn ICwise ở Thượng Hải, Micron đã bị chính phủ Trung Quốc coi là “đóng vai trò tiêu cực” trong ngành công nghệ của nước này.

“Có một số suy đoán rằng Micron đứng sau nỗ lực thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc”, ông Wang cho biết.

Micron được cho là một trong số những công ty bán dẫn của Mỹ tăng chi tiêu vận động hành lang kể từ khi chính quyền Tổng thống Biden ban hành Đạo luật Chip và Khoa học vào tháng 8/2022. Theo đạo luật này, chính phủ Mỹ sẽ tài trợ 52 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chip ở Mỹ.  

Thấy gì từ đòn phản công của Trung Quốc dành cho ngành chip Mỹ? - 2

Sau khi thông qua Đạo luật Chip và Khoa học vào tháng 8/2022, Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận với công nghệ tiên tiến phục vụ cho mục đích quân sự. Ảnh: Washington Post

Nhiều tháng trước khi đạo luật này chính thức được thông qua, Micron đã thông báo đóng cửa trung tâm thiết kế chip Thượng Hải vào cuối năm 2022 và di dời 150 kỹ sư Trung Quốc đến Mỹ hoặc Ấn Độ.

Năm 2017, Fujian Jinhua, một công ty quốc doanh chuyên sản xuất chip bộ nhớ ở tỉnh Phúc Kiến đã bị Mỹ cáo buộc ăn cắp công nghệ từ Micron. Công ty Trung Quốc sau đó đã ngừng sản xuất sau khi bị Washington trừng phạt.

Một lý do rõ ràng hơn khiến Micron trở thành mục tiêu hàng đầu cho Bắc Kinh là vì công nghệ của họ sẽ dễ dàng bị thay thế bằng sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.

Micron trước đây đã cảnh báo về những rủi ro bị loại khỏi thị trường Trung Quốc. Trong báo cáo tài chính năm 2021, Micron cho biết sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các nhà sản xuất DRAM trong nước có thể hạn chế sự tăng trưởng của họ.  

Không giống như thiết bị bán dẫn từ ASML hoặc chip đồ họa từ Nvidia, các sản phẩm của Micron cũng có thể dễ dàng bị thay thế ở Trung Quốc bởi các nhà cung cấp địa phương như Yangtze Memory Technologies Co và các công ty Hàn Quốc Samsung và SK Hynix.

Trung Quốc cũng là một thị trường quan trọng đối với Micron. Quốc gia này (bao gồm Hồng Kông) tạo ra 25% tổng doanh thu 30,8 tỷ USD của Micron vào năm 2022, theo Financial Times.