Theo Engadget, Samsung đã đạt kỷ lục doanh thu quý 3 tương đương 63,1 tỷ USD. Con số này ghi nhận mức tăng 10% trong khi lợi nhuận hoạt động trong quý đạt 13,5 tỷ USD (cao hơn 26% so với quý trước). Trong đó, doanh thu 22,6 tỷ USD trong quý đến từ hoạt động kinh doanh chất bán dẫn của công ty Hàn Quốc.
Điều này cho thấy, Samsung có thể điều hướng hoạt động kinh doanh chip của mình bất chấp tình trạng thiếu chip toàn cầu "bằng cách vận hành linh hoạt tổ hợp sản phẩm của mình." Mảng kinh doanh thiết bị di động của công ty cũng đóng một vai trò rất lớn trong quý 3 kỷ lục. Nhờ doanh số bán ra mạnh mẽ của các điện thoại cao cấp, bao gồm smartphone gập lại như Galaxy Z Fold 3 và Galaxy Z Flip 3, Samsung đã đạt doanh thu 24,2 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 7 - 9.
Thêm nữa, nhu cầu về chất bán dẫn cũng tăng lên nhờ doanh số bán máy tính xách tay tăng mạnh. Rõ ràng, công ty được hưởng lợi từ việc hàng triệu người phải làm việc tại nhà vì đại dịch.
Dòng Galaxy S22 sẽ được ra mắt vào tháng Giêng năm sau.
Lợi nhuận của công ty bị ảnh hưởng bởi chi phí tiếp thị lớn hơn cho dòng smartphone màn hình gập. Bù lại, nhu cầu về màn hình của hãng giúp đem về doanh thu 7,5 tỷ USD, đa số là các màn hình OLED vừa và nhỏ. Nhu cầu về màn hình kích thước lớn hơn rất chậm chạp.
Nhìn chung, Samsung khá lạc quan về kết quả tài chính quý 4/2021 và năm 2022 dù nguồn cung trên thị trường vẫn còn nhiều vấn đề. Trong quý 4 tới, công ty dự kiến báo cáo doanh thu cao hơn "nhờ nhu cầu lớn về nguồn cung SoC và các sản phẩm liên quan cho việc ra mắt các smartphone 5G mới vào năm 2022."
"Ông trùm" công nghệ Hàn Quốc kỳ vọng, dòng Galaxy S22, gồm: Galaxy S22, Galaxy S22+ và Galaxy S22 Ultra sẽ là thế hệ smartphone chủ lực đầu tiên của năm sau (dự kiến ra mắt vào tháng Giêng năm 2022). Các nhà đầu tư tỏ ra khá hài lòng với báo cáo này, giá cổ phiếu của công ty sau đó đã tăng 2,28% vào thứ Tư (tương đương 1,45 USD) lên 61,22 USD – 1,39 triệu đồng.