Cách đây 10 năm, nếu livestreaming (phát trực tuyến) còn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam và gắn liền với những định kiến như “vô công rỗi nghề”, thì ngày nay, cái nhìn tiêu cực đó đang dần biến mất. Với bảo chứng là sự thành công của các tên tuổi lớn như Độ Mixi, PewPew,... livestream dần trở thành ngành công nghiệp mở ra hàng loạt cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn dành cho giới trẻ, đặc biệt là gen Z.
Thời đại của livestream
Ngày 6/6/2011, nền tảng dành riêng cho việc livestream - Twitch ra đời. Đây được xem là nơi khởi nguồn cũng như đặt nền móng cho ngành công nghiệp streamer hiện nay (Ảnh: Reddit)
Thành công của Twitch là minh chứng hoàn hảo cho hiệu quả của livestreaming, góp phần thúc đẩy các nền tảng khác nhanh chóng phát triển tính năng này. Các ông lớn công nghệ như Facebook hay YouTube đã tung ra những hình thức mới như Facebook Live, YouTube Live nhằm tạo ra nhiều sân chơi cạnh tranh cho người dùng, đặc biệt là các nhà sáng tạo nội dung số.
Tính đến năm 2020, livestream đã có bước tăng trưởng đáng kể: Tăng trưởng 99% giữa tháng tư năm 2019 đến tháng tư năm 2020 và được dự đoán có tổng doanh thu hơn 180 tỷ đô vào năm 2027.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp livestream cũng có sự chuyển mình và dần trở nên phổ biến hơn với mọi người.
Không chỉ trở thành phương tiện bán hàng cho hàng trăm ngàn cá nhân, doanh nghiệp,... sự phổ biến của các nền tảng livestream còn giúp định hình khái niệm streamer (người chuyên livestream), tạo nên loại hình giải trí mới cho người xem, đặc biệt là người dùng trẻ tuổi có xu hướng dành nhiều thời gian trên Internet.
Số lượng theo dõi lớn và thu nhập khổng lồ khiến cho việc livestream không chỉ dừng ở một sở thích mà còn là một công việc thực thụ. Một số cái tên streamer nổi bật phải kể đến ở Việt Nam như: Độ Mixi, VirusS, Pewpew, Cris Devil Gamer, Misthy, ...
Là thị trường có những bước tiến dài với nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, Việt Nam thu hút những “ông lớn” đặt chân.
Sự xuất hiện của những “ông lớn” tại Việt Nam
Tại Việt Nam, cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng livestream, mạng xã hội ngày một sôi động với những ông lớn tìm về (Ảnh: Razer)
Quay trở lại thời điểm năm 2014, thị trường Việt Nam chỉ có sự xuất hiện của TalkTV thì từ năm 2017 đến hiện, cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng livestream, mạng xã hội ngày một sôi động với những ông lớn tìm về.
Những cái tên quốc tế như Facebook, YouTube, Garena (SEA Group) hay những thương hiệu khu vực như NimoTV, Booyah đều đã có cho mình một hệ sinh thái livestream riêng và cạnh tranh khốc liệt trong cả số lượng nhà sáng tạo nội dung lẫn người dùng.
Tại Việt Nam, các nền tảng được ưa chuộng nhất hiện nay được chia làm 2 mảng, stream gaming với các ứng dụng nổi bật như: Facebook Gaming; YouTube Gaming; Nimo TV; Booyah…, non-gaming với các ứng dụng như: Facebook; Instagram; TikTok…
Theo dữ liệu từ Appota Group, tại Việt Nam, hầu hết các nền tảng đều không thu phí người dùng, mà nguồn doanh thu chủ yếu đến từ việc chèn quảng cáo. Tỷ lệ chứa quảng cáo của các ứng dụng tại Việt Nam lên tới 59%, trong khi mức trung bình trên toàn cầu là 38%.
“Do thói quen của người dùng Việt thích sử dụng miễn phí và chấp nhận quảng cáo, khiến đây tiếp tục trở thành phương thức thương mại hóa phổ biến tại Việt Nam”, chuyên gia phân tích của Appota Group cho hay.
Cuộc đua thu hút người xem bằng nội dung đa dạng, giải thưởng phong phú
(Ảnh: Độ Mixi)
Theo báo cáo Vietnam Streaming Report and Prediction 2020-2025, Vietnam Market Report, nội dung được livestream nhiều nhất tại Việt Nam vào năm 2022 là các chủ đề về shopping mua sắm (62% người tham gia khảo), chủ đề giải trí (chiếm 49%) và chủ đề về thẩm mỹ, chăm sóc da (chiếm 46%); Các chủ đề được người xem ưa chuộng bao gồm: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, các vấn đề về phong cách sống lifestyle và review các sản phẩm thuộc ngành thể thao,...
Có thể thấy, nhu cầu của người dùng khi xem livestreaming là không giới hạn và điều này buộc các nền tảng phải tích cực đa dạng hoá nội dung của mình để thu hút người xem. Một trong những nền tảng đang tích cực đa dạng hoá nội dung livestream có thể kể đến là NimoTV, khi lấn sân nhiều hơn sang lĩnh vực giải trí tổng hợp với hàng loạt chuỗi sự kiện bóng đá được đẩy mạnh, cũng như việc săn lùng tuyển dụng các streamer mảng thể thao, game giải trí, Virtual Idol, du lịch...
Theo NimoTV, các nội dung sáng tạo mới mẻ như “Ao Làng FIFA”, “The Moi Voice” của Mixi Gaming, hay game Con Vịt Duck Goose của các nhóm streamer trên nền tảng đã thu hút hàng chục đến hàng trăm ngàn người xem mỗi ngày. Nội dung của các streamer như TuiTenBo, Thay Giao Ba, Snake cũng ngày càng phong phú hơn qua những sự kết hợp giữa streamer game và idol Nimoshow qua những buổi giao lưu diễn ra trong nền tảng.
Thời điểm World Cup 2022 diễn ra, các nền tảng livestream còn thu hút người xem bằng loạt sự kiện ăn theo giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh như bóng đá với Bóng Hồng World Cup, Đội Bóng Tôi Yêu, PK Quốc Tế...
Sau khi kỳ World Cup 2022 khép lại, người hâm mộ thể thao điện tử tại Việt Nam lại tiếp tục chào đón một sự kiện đáng chú ý khác là Nimo Glory 2022, diễn ra từ 19/12. Đây là sự kiện lớn mỗi năm 1 lần của streamer các khu vực Việt Nam, Indo, Trung Đông, để tôn vinh những cống hiến của chủ nhân các giải thưởng Nimo Glory 2022 Global Best Streamer, Streamer of The Year. Người hâm mộ có thể ủng hộ cho streamer mà mình yêu thích thông qua việc bình chọn.
Được biết, sự kiện Offline Nimo Gala sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào quý 1/2023. Đây là sự kiện lớn diễn ra hằng năm thu hút nhiều sự chú ý của giới Streamer Nimo TV nói riêng và ngành Livestream Việt Nam nói chung. Đặc biệt trong đó phải kể đến Độ Mixi và Mixi Gaming, MisThy, Xemesis, Linh Ngọc Đàm…
Amie Lam - Giám đốc điều hành Nimo TV Việt Nam cho biết, sau việc thay đổi chiến lược phát triển nội dung, ngoài mục đích tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc như Nimo Glory 2022 Global Best Streamer, Nimo Glory 2022 Vietnam Best Streamer, Glory 2022 Vietnam Future Face, Nimo Gala năm nay hứa hẹn bùng nổ hơn với nhiều tiết mục đặc sắc chưa từng có.